Tây Ninh thông qua nhiều nghị quyết giải quyết nguyện vọng cử tri

Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh (khóa 10 nhiệm kỳ 2021-2026) vừa thông qua 10 nghị quyết chuyên đề thuộc các lĩnh vực: giáo dục-đào tạo, an sinh-xã hội, quy hoạch, biên chế, kế hoạch đầu tư công, tài nguyên-môi trường. Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bảo đảm đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế,...
0:00 / 0:00
0:00
Lễ trao Huy hiệu Ðảng cho các đảng viên cao tuổi đảng năm 2023 của Huyện ủy Tân Biên.
Lễ trao Huy hiệu Ðảng cho các đảng viên cao tuổi đảng năm 2023 của Huyện ủy Tân Biên.

Trong 10 nghị quyết vừa được thông qua, có "Nghị quyết thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đến năm 2045" được xem là rất quan trọng.

Theo Bí thư Huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ (thành viên Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh), Tân Biên là địa phương duy nhất của cả khu vực miền nam có hai cửa khẩu quốc tế là Xa Mát, Tân Nam, cùng nhiều cửa khẩu chính. Trong tổng thể phát triển các cửa khẩu, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh về thương mại, kinh tế biên mậu hiện nay là vấn đề đặt ra đối với huyện Tân Biên và với tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, sẽ xác định rõ vị trí pháp lý, định hướng phát triển, và góp phần tháo gỡ những "điểm nghẽn" để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát trong thời gian tới. Trong đó, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định và có ý nghĩa không chỉ đối với huyện, tỉnh mà còn đặt trong tổng thể cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng Ðông Nam Bộ. Ðây là một tín hiệu rất phấn khởi, là tin vui đối với đông đảo cử tri, nhân dân huyện Tân Biên. Ngay trước kỳ họp này, cử tri Tân Biên có một số ý kiến, kiến nghị, trong đó có ý kiến về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất khu vực biên giới và vướng mắc trong quy hoạch sử dụng đất, gây khó khăn trong phát triển hệ thống kho bãi phục vụ trung chuyển hàng hóa, lưu trữ hàng hóa xuất nhập khẩu. Khi quy hoạch này được phê duyệt, tin tưởng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trên, giúp khơi thông nguồn lực phát triển khu vực biên giới.

Liên quan 3 nghị quyết khác cũng vừa thông qua trong lĩnh vực đầu tư công, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh nhận định, việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 cũng như điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian bố trí vốn đối với một số dự án đầu tư công là cần thiết, nhằm quản lý và sử dụng vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu nguyện vọng cử tri.

Thí dụ như Dự án "Nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời (đoạn từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Ðại Ðồng)". Ðây là khu vực dân cư đông, tập trung trường học, chợ, khu hành chính phường và là trục chính kết nối trung tâm thành phố Tây Ninh đến Khu du lịch núi Bà Ðen. Dự án này có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh, mở rộng tuyến kết nối với các trục đường chính.

Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng xem xét sửa đổi, bổ sung quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Tây Ninh Nguyễn Văn Phước, nghị quyết được ban hành trên cơ sở thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo quy định của Nghị định 81, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 52 quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập với mức trần thấp nhất. Tuy nhiên, mức trần thấp nhất này cũng cao hơn rất nhiều so với mức thu cũ trước đây. Cuối năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NÐ-CP. Trong nghị định này, Chính phủ nêu hai vấn đề, thứ nhất, "trường hợp Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ sở giáo dục công lập đã ban hành khung học phí hoặc mức thu học phí năm học 2023-2024 theo quy định tại Nghị định số 81 với mức học phí tăng so với năm học 2021-2022 thì ngân sách địa phương bảo đảm phần chênh lệch tăng thêm". Trường hợp thứ hai, "ngân sách địa phương không bảo đảm phần chênh lệch tăng thêm so với mức thu học phí năm 2021-2023 thì phải thực hiện điều chỉnh theo quy định". Còn tại khoản 1, Ðiều 1 Nghị định số 97, thì Chính phủ quy định "giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương". Do đó, Sở Giáo dục và Ðào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 52/2023/NQ-HÐND ngày 20/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Học phí từ năm học 2023-2024 trở về mức thu cũ của năm học 2021-2022, phù hợp nguyện vọng của nhiều cử tri, nhiều phụ huynh học sinh.