Tây Ninh nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía tây bắc của TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh là một trong những đầu mối giao thông về đường bộ quan trọng vào Cam-pu-chia và các nước ASEAN; có vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng của quốc gia với 240 km đường biên giới.

Tây Ninh đang hợp tác với các địa phương lân cận để hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông. Trong ảnh: Tuyến đường huyết mạch nối Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh.
Tây Ninh đang hợp tác với các địa phương lân cận để hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông. Trong ảnh: Tuyến đường huyết mạch nối Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh.

Đặc điểm này tạo nên tiềm năng lớn để tỉnh phát triển kinh tế biên mậu, giao thương hàng hóa của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với nước láng giềng. Tuy nhiên, những lợi thế này nhiều năm qua chưa phát huy hết hiệu quả khi tính kết nối của hạ tầng giao thông tại đây còn thiếu và yếu.

Mật độ đường bộ cao, chất lượng thấp

Hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tại Tây Ninh, mạng lưới hạ tầng giao thông hiện trong tình trạng “cơ cấu” đủ nhưng lại thiếu tính kết nối liên vùng và yếu về chất lượng đối với các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh. Tỉnh hiện có gần 8.200 km đường bộ, trong đó có ba tuyến quốc lộ (QL) (dài hơn 132 km): Đường Xuyên Á từ ngã tư An Sương (TP Hồ Chí Minh) đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, QL 22B từ huyện Gò Dầu đến Cửa khẩu quốc tế Xa Mát và tuyến QL 22B kéo dài từ Cửa khẩu quốc tế Xa Mát đến Cửa khẩu chính Chàng Riệc. Tuyến đường cấp tỉnh có 39 tuyến với tổng chiều dài 739 km; tuyến đường cấp huyện có 228 tuyến với tổng chiều dài 1.070,6 km; các tuyến đường trục chính đô thị, đường xã, ấp, nội đồng dài hơn 6.000 km.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài, Tây Ninh có mật độ đường bộ tương đối cao so với các tỉnh trong khu vực. Mạng lưới đường bộ phân bổ khá đồng đều và rộng khắp; hình thành các trục dọc theo hướng bắc - nam để kết nối với TP Hồ Chí Minh như các tuyến QL 22, 22B, đường ĐT: 782; 784; 793;... các trục ngang để kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An (gồm các tuyến đường: 781; 786, Trà Vừ - Đất Sét và Đất Sét - Bến Củi...). Ngoài ra, tỉnh cũng có các trục hướng tâm kết nối các huyện với TP Tây Ninh, trục kết nối các vùng nguyên liệu với các nhà máy, khu công nghiệp...

Tuy nhiên, ba tuyến giao thông quốc gia đi qua Tây Ninh đã xuống cấp cho nên không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Đơn cử như tuyến QL 22B từ TP Tây Ninh đến bến xe An Sương, tuy chỉ dài 90 km nhưng do đường xấu và hẹp, các phương tiện phải mất khoảng hai giờ di chuyển. Để kết nối với TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh gần như chỉ có một tuyến QL 22B. Những năm gần đây, tuyến đường này xuất hiện tình trạng quá tải khi ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra tại đoạn qua thị trấn Trảng Bàng và Khu công nghiệp Trảng Bàng. Mạng lưới đường bộ địa phương, trong đó đường xã, đường ấp, xóm, nội đồng chủ yếu là đường cấp IV, chỉ được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa khoảng 15%, số còn lại là đường cấp phối sỏi đỏ và đất, hiện cũng đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu vận tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Hệ thống đường sắt và đường thủy nội địa còn "đìu hiu” hơn. Hệ thống đường sắt của Tây Ninh chỉ mới nằm trong diện quy hoạch khi quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt nhẹ: TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài kéo dài đến TP Tây Ninh - Xa Mát. Trong khi đó, đối với đường thủy nội địa, Tây Ninh hiện có 617 km sông, kênh, rạch và hồ Dầu Tiếng rộng 27 nghìn héc-ta, chứa hơn 1,5 tỷ m3 nước. Theo quy hoạch của Bộ GTVT (Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24-4-2013), với những điều kiện sẵn có này, đây rõ ràng là một tiềm năng để có thể phát triển giao thông thủy.

Đơn cử, tuyến sông Vàm Cỏ Đông với tuyến Sài Gòn - Bến Kéo rất thuận tiện để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy đến các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, kết nối thuận tiện đến các cảng Sài Gòn, Hiệp Phước và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, sông Vàm Cỏ Đông chạy dọc tỉnh từ bắc xuống nam và có thể khai thác vận tải với phương tiện sà-lan 2.000 tấn. Nhiều tuyến rạch có thể khai thác cho vận tải như: Rạch Trảng Bàng, rạch Tây Ninh, rạch Bảo, rạch Bến Đá.

Tuy nhiên, cái khó trong phát triển giao thông thủy trên sông Vàm Cỏ Đông (dài 105 km qua tỉnh Tây Ninh) là mới chỉ có bốn cây cầu bắc qua, trong khi đó con sông này lại chia cắt toàn huyện Bến Cầu và một phần huyện Trảng Bàng, huyện Châu Thành với vùng phía đông bắc của tỉnh, gây cản trở lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các vùng.

Tăng tính kết nối liên vùng

Trong nhiều mục tiêu, kế hoạch đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 10 (tháng 10-2015), hạ tầng giao thông là một trong những vấn đề được Tây Ninh hết sức quan tâm. Điều này được ghi rõ trong Nghị quyết “Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ tốt nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cho biết: “Cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động của nhóm công tác thực hiện những giải pháp về kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng giao thông”. Đây được xem như một trong những đột phá để thực hiện nâng cấp và đồng bộ hóa hệ thống giao thông vốn trì trệ nhiều năm nay.

Với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn; tạo kết nối giữa các phương thức vận tải hình thành mạng lưới vận tải thông suốt với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhất là TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho biết: Tây Ninh đang chủ động triển khai việc liên kết, hợp tác đồng thời nhờ sự hỗ trợ với các địa phương lân cận để hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông; tích cực phối hợp các cơ quan T.Ư và các địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều dự án quan trọng như: Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng QL 22 từ ngã tư An Sương đến Mộc Bài; dự án sửa chữa, cải tạo QL 22B do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư sẽ thực hiện trong giai đoạn 2017-2019 với tổng mức đầu tư dự kiến 255 tỷ đồng, trong đó năm 2017 bố trí 74,2 tỷ đồng, phần còn lại bố trí trong năm 2018 và năm 2019.

Riêng với dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sau một thời gian gián đoạn thi công, trong mấy tháng qua, không khí thi công đã sôi nổi trở lại. Hạng mục nút giao cầu vượt liên thông với QL 22 đang được thi công xây dựng; phần đường hiện được Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trước năm 2020. Chính phủ hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia thống nhất đầu tư đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - thủ đô Phnôm Pênh trước năm 2020, trong đó có dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài và nhánh kết nối đến TP Tây Ninh.

Các dự án trọng điểm trong tỉnh cũng đang được nỗ lực tạo nguồn vốn để hoàn thành theo kế hoạch nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh. Có thể kể đến các dự án đang triển khai như: Nâng cấp, cải tạo, ngầm hóa đường 30-4; đường 781, đoạn từ ngã ba hồ Dầu Tiếng đến địa phận tỉnh Bình Dương (giai đoạn 2). Đây là tuyến đường kết nối với tỉnh Bình Dương, cũng là tuyến phục vụ nhu cầu du lịch hồ Dầu Tiếng; tiểu dự án đường Tà Nông thuộc dự án đường ra cửa khẩu biên mậu... Các cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ động làm việc với các địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Phước, Bình Dương để phối hợp thực hiện công tác kết nối liên kết vùng trong lĩnh vực giao thông.

Bài toán đặt ra với Tây Ninh trong việc tìm hướng đột phá hạ tầng giao thông hiện nay là tìm nguồn vốn 7.355,36 tỷ đồng còn thiếu trong tổng số 58.393,5 tỷ đồng theo kế hoạch thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cho biết: Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp huy động nguồn lực thực hiện như: vốn theo kế hoạch đầu tư công của T.Ư, vốn vay từ vốn sản xuất, vốn vay ODA. Ngoài ra, tỉnh sẽ kêu gọi nguồn vốn theo các hình khác như: Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), BOT, bán quyền thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để tạo vốn đầu tư các dự án khác; phát hành trái phiếu địa phương; bán đấu giá quyền sử dụng đất; bán đấu giá quyền khai thác khoáng sản có thời hạn; nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp;...

Có một thực tế là trong số các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch được đánh giá là có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để Tây Ninh thật sự “cất cánh" rất cần những sự đột phá, mà trong đó việc sớm khắc phục và thay đổi hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, chất lượng kém như hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng.