Tây Hồ nhân rộng các không gian văn hóa sáng tạo

Quận Tây Hồ đang đổi mới hoạt động của Không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố quận Tây Hồ tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, với sự tham gia tích cực của người dân, kết hợp với các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Hoạt động này giúp cải thiện đời sống tinh thần người dân, thu hút khách du lịch. Thời gian tới, quận sẽ phát triển nhiều không gian văn hóa-sáng tạo dựa trên lợi thế cảnh quan hồ Tây, các làng hoa, làng nghề và hệ thống di tích, lịch sử văn hóa dày đặc trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động văn nghệ quần chúng tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn ngày càng hấp dẫn.
Hoạt động văn nghệ quần chúng tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn ngày càng hấp dẫn.

Người dân “dinh đào” Nhật Tân vừa đem đến Không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố quận Tây Hồ một chương trình nghệ thuật đặc biệt có chủ đề “Lung linh sắc hoa”. Từ khoảng 19 giờ, khi các diễn viên đang tất bật chuẩn bị, đông đảo khán giả đã tập trung chờ đón các tiết mục văn nghệ. Mặc dù là chương trình văn nghệ cấp “phường”, nhưng không ai có thể phủ nhận mức độ đầu tư công phu của chương trình.

Với sự vận động của cấp ủy, chính quyền, các nghệ sĩ, nhà thiết kế trên địa bàn và một số khách mời đã chung tay tham gia thực hiện chương trình. Nhờ thế, “Lung linh sắc hoa” trở thành một chương trình nghệ thuật giàu sắc thái. Bên cạnh những tiết mục như “Hãy đến với những con người Việt Nam tôi”, “Đất nước trọn niềm vui”... do Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh phường thực hiện còn có các tiết mục được biểu diễn bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp như: Ca sĩ Bảo Trâm, ca sĩ Phương Thủy, ca sĩ Vũ Thắng Lợi; trình diễn bộ sưu tập Áo dài “Sắc hoa” của nhà thiết kế áo dài Lan Hương... Phần kết của chương trình là những màn biểu diễn sôi động, hiện đại của vũ đoàn Carmen, ca sĩ Nee, ca sĩ Hiếu Bae...

Chương trình nhận được sự tán thưởng của đông đảo khán giả trẻ. Em Vũ Thu Hà (ở phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy) cho biết: “Em và nhóm bạn đã đến từ sớm chờ đợi các tiết mục nghệ thuật. Em rất vui vì ngoài các bài hát truyền thống còn nhiều bản nhạc trẻ dành cho chúng em”.

Việc các phường, các tổ chức xã hội trên địa bàn thực hiện biểu diễn nghệ thuật là nét mới trong hoạt động của phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Các hoạt động này do chính những người dân trên địa bàn quận tham gia, kết hợp với sự góp mặt của các nghệ sĩ chuyên nghiệp đã làm tăng sức hút cho phố đi bộ. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết: “Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đã có những đổi mới, sáng tạo, tập trung xây dựng một không gian văn hóa, không chỉ nhằm phục vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, ẩm thực cộng đồng mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quận Tây Hồ.

Thông qua sân chơi này, chúng tôi mong muốn phát hiện những hạt nhân văn nghệ cơ sở có tài năng để bồi dưỡng, phát huy; đồng thời, hướng tới xây dựng phố đi bộ thành không gian người dân được thực hành và hưởng thụ chính những giá trị văn hóa do cộng đồng đem lại”.

Nhắc tới Tây Hồ là nhắc đến hồ Tây mênh mang sóng nước gắn với những huyền tích độc đáo, hệ thống di tích dày đặc và cảnh quan nên thơ. Quanh hồ Tây có 20 di tích lịch sử mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến như: Chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ... cùng với những lễ hội đặc sắc và làng nghề truyền thống: Giấy dó Yên Thái, trồng đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trồng sen và ướp trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng... Gần đây, Tây Hồ còn thu hút khách du lịch với Vườn hoa bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa hồ Tây...

Để khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan ven hồ Tây, đồng thời đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách, quận đã xây dựng Không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. Dù vẫn còn thời gian để hoàn thiện, nơi đây đang là điểm hẹn của hoạt động văn hóa nghệ thuật, nơi giới thiệu ẩm thực đặc trưng của quận Tây Hồ và Hà Nội, thu hút một lượng đáng kể khách tham quan. Từ nền tảng này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận đang tập trung xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo, không chỉ nhằm phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, mà còn để “đánh thức” nguồn lực và lợi thế của hồ Tây.

Các không gian khi được hình thành sẽ khai thác toàn diện hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này, đặc biệt là những giá trị văn hóa lịch sử, phù hợp điều kiện thực tiễn và xu hướng phát triển hiện nay, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, du khách.

Ngoài phố đi bộ Trịnh Công Sơn, thời gian tới, quận Tây Hồ tiếp tục đầu tư xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản như: Không gian văn hóa sáng tạo trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ (phủ Tây Hồ), không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia...

Ngoài ra, quận đang nghiên cứu, xin chủ trương thành phố về việc tổ chức chỉnh trang, nâng cấp Vườn hoa Lý Tự Trọng gắn với xây dựng Công viên Sách Tây Hồ. Đây sẽ là những không gian văn hóa sáng tạo mới mang nét độc đáo, hấp dẫn riêng có của Tây Hồ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân, tạo nên sức hút đối với khách du lịch khi đến với Hà Nội.