Phó giám đốc sứ mệnh công nghệ vũ trụ của NASA Jim Reuter nói: “Đây là bước quan trọng đầu tiên trong việc chuyển đổi carbon dioxide thành oxy trên sao Hỏa".
Cuộc trình diễn công nghệ diễn ra vào ngày 20-4, và người ta hy vọng các phiên bản tiếp theo của dụng cụ thí nghiệm này có thể mở đường cho việc khám phá sao Hỏa của con người trong tương lai.
Quá trình này không chỉ có thể tạo ra oxy cho các phi hành gia trong tương lai thở, mà còn giúp tạo ra một lượng lớn oxy để sử dụng làm chất phóng tên lửa cho chuyến hành trình trở về mà không phải vận chuyển từ Trái đất.
Thí nghiệm sử dụng tài nguyên oxy tại chỗ trên sao Hỏa, gọi tắt là MOXIE, là một chiếc hộp vàng có kích thước bằng pin ô tô và được đặt bên trong phía trước bên phải của tàu đổ bộ.
Được mệnh danh là "cây cơ học", nó sử dụng điện và hóa học để phân chia các phân tử carbon dioxide, được tạo thành từ một nguyên tử carbon và hai nguyên tử oxy. Nó cũng tạo ra phụ phẩm carbon monoxide.
Trong lần chạy đầu tiên, MOXIE tạo ra 5 gam oxy, tương đương với khoảng 10 phút thở oxy cho một phi hành gia thực hiện các hoạt động bình thường.
Các kỹ sư của MOXIE hiện sẽ chạy nhiều thử nghiệm hơn và cố gắng nâng cao sản lượng tạo oxy của máy. Nó được thiết kế để có thể tạo ra tới 10 gam oxy mỗi giờ.
Được thiết kế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), MOXIE được chế tạo bằng vật liệu chịu nhiệt như hợp kim niken và được thiết kế để chịu được nhiệt độ khắc nghiệt lên đến 800 độ C. Nó được phủ một lớp vàng mỏng để không tỏa nhiệt và gây hại cho tàu đổ bộ.
Kỹ sư Michael Hecht của MIT cho biết, với phiên bản MOXIE nặng một tấn có thể tạo ra khoảng 25 tấn oxy cần thiết cho một tên lửa có thể cất cánh từ sao Hỏa.
Sản xuất oxy từ bầu khí quyển 96% carbon dioxide của sao Hỏa có thể là một lựa chọn khả thi hơn so với việc chiết xuất băng từ dưới bề mặt rồi điện phân để tạo ra oxy.
Bà Trudy Kortes, Giám đốc trình diễn công nghệ của NASA cho biết: “MOXIE không chỉ là công cụ đầu tiên sản xuất oxy trên một thế giới khác, mà là công nghệ đầu tiên thuộc loại hình này giúp các sứ mệnh trong tương lai sử dụng các yếu tố của môi trường thế giới khác, còn được gọi là sử dụng tài nguyên tại chỗ”.
Tàu thám hiểm Perseverance đáp xuống hành tinh Đỏ vào ngày 18-2 để thực hiện sứ mệnh tìm kiếm các dấu hiệu cho sự sống của vi sinh vật.
Cách đây ba ngày, máy bay trực thăng mini Ingenuity của con tàu này đã làm nên lịch sử khi thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên một hành tinh khác.
Bản thân tàu đổ bộ cũng đã từng thực hiện việc trực tiếp ghi lại âm thanh đầu tiên của sao Hỏa.