Theo Tờ trình gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình trọng điểm, chiến lược ngành giao thông vận tải tập trung thực hiện trong giai đoạn 2024-2030, Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ ưu tiên triển khai đầu tư 59 dự án (không bao gồm dự án các tuyến đường sắt đô thị) với nguồn vốn đầu tư là 231.000 tỷ đồng; trong đó, có bốn dự án tuyến đường cao tốc, năm dự án đường vành đai (vành đai 2, 3, 4), ba dự án đường kết nối liên vùng…
Ðây là những dự án mang tính cấp bách, chiến lược, tạo điều kiện giao thông đi lại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh, thành phố khu vực Ðông Nam Bộ. Qua tính toán, để thực hiện 59 dự án này, nguồn vốn ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến khoảng 156.560 tỷ đồng (67,8%); vốn huy động kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP (21 dự án) khoảng 70.126 tỷ đồng (30,4%); vốn ngân sách trung ương (ba dự án) dự kiến 4.361 tỷ đồng (1,9%).
Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm cho biết: Ðể thực hiện hiệu quả các dự án này, thành phố xác định danh mục dự án để ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án theo quy định; đồng thời, kêu gọi đầu tư, huy động, thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dự án bảo đảm phát huy hiệu quả, công khai minh bạch.
Ngoài ra, thành phố còn áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội Khóa XV và các quy định pháp luật có liên quan, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm mục tiêu, phát huy hiệu quả của các dự án.
Một trong những dự án đường vành đai được Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương có dự án đi qua thống nhất đầu tư là dự án vành đai 4. Ðường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 206 km sẽ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Qua kết quả nghiên cứu sơ bộ, dự án đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 105.000 tỷ đồng; trong đó, sẽ giải phóng mặt bằng một lần (8 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên) theo quy hoạch; đồng thời, đầu tư bốn làn xe cao tốc, hai làn khẩn cấp, đường song hành.
Với nguồn vốn đầu tư lớn, các địa phương kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách. Riêng tỉnh Long An, ngân sách trung ương hỗ trợ 90% tổng vốn ngân sách tham gia dự án. Với đường vành đai 4, Chính phủ giao Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện 17,3 km, Bình Dương 47,45 km, Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai 18,1 km, Ðồng Nai 45,6 km và Long An 78,3 km.
Ðại diện Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Ðể đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tăng tính hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư, các địa phương kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cho phép dự án vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng một số cơ chế đặc thù; cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án được vượt quá 50% tổng mức đầu tư.
Qua rà soát rất nhiều dự án giao thông trọng điểm, Sở Giao thông vận tải thành phố đã lên danh mục năm dự án giao thông hiện hữu cần sớm được đầu tư mở rộng theo hình thức BOT, có tổng vốn đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng, với ba tuyến quốc lộ huyết mạch. Các dự án này sẽ thực hiện trong giai đoạn 2024-2030 gồm: Quốc lộ 13 (kết nối thành phố Thủ Ðức với tỉnh Bình Dương) dài gần 4,7 km; Quốc lộ 1, đoạn từ An Lạc, huyện Bình Chánh, đến giáp ranh tỉnh Long An, dài 9,6 km và Quốc lộ 22 (phía tây Thành phố Hồ Chí Minh, từ nút giao An Sương đến nút giao vành đai 3) dài 9 km.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII), đơn vị tham gia đầu tư nhiều dự án giao thông theo mô hình BOT Lê Quốc Bình chia sẻ: CII dự kiến tham gia đầu tư ba dự án BOT giao thông hiện hữu; trong đó, có hai tuyến quốc lộ gồm: Quốc lộ 22, Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc, huyện Bình Chánh, đến tỉnh Long An). Theo tính toán, ba công trình BOT này có tổng kinh phí khoảng 38.000 tỷ đồng, nhà đầu tư tham gia 50% kinh phí, còn lại là nguồn ngân sách thành phố.
Trong đó, dự án mở rộng Quốc lộ 1 dài gần 10 km có tổng vốn gần 12.000 tỷ đồng, lớn nhất trong các dự án. Với kinh nghiệm đầu tư nhiều dự án BOT cầu, đường trên địa bàn thành phố, ông Lê Quốc Bình cho rằng: CII lựa chọn đầu tư dự án dựa vào các tiêu chí có quy hoạch mở rộng đường đã được phê duyệt, khả thi trong việc giải phóng mặt bằng và ngân sách thành phố có thể đảm đương chi trả đền bù; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp BOT và người dân. Cũng theo ông Bình, thực hiện theo cơ chế của Nghị quyết 98, thành phố cần bảo đảm tính pháp lý đủ mạnh, chặt chẽ trên cơ sở luật định để nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn, tham gia; trong đó, địa phương có dự án đi qua phải cam kết trách nhiệm về công tác giải tỏa, đền bù, tiến độ bàn giao mặt bằng…