Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội vừa chính thức công bố tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường trung học phổ thông công lập với 3 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Kỳ thi diễn ra trong hai ngày 8 và 9/6/2024.
Theo lãnh đạo Sở, năm 2024, các em học sinh sinh năm 2009 là đối tượng tham dự kỳ thi vào lớp 10. Ðây là lứa học sinh lớp 9 cuối cùng học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát hai năm nay, nhưng trước đó, học sinh sinh năm 2009 có gần hai năm học chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh khi phải học online kéo dài và liên tục chuyển trạng thái học tập để ứng phó với tính phức tạp của dịch bệnh.
Việc thành phố quyết định chọn phương án giữ ổn định ba môn như kỳ thi năm trước nhận được sự đồng tình từ giáo viên, phụ huynh, học sinh.
Chị Nguyễn Thúy Anh, phụ huynh học sinh Trường trung học cơ sở Trưng Vương (huyện Mê Linh) chia sẻ, gia đình rất mừng khi kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024-2025 vẫn giữ ổn định ba môn thi như năm ngoái. Với số học sinh tiếp tục tăng hơn 5.000 em so với năm trước, áp lực cạnh tranh để lọt vào trong số 60% học sinh vào các trường trung học phổ thông công lập là rất lớn. Vì vậy, phương án thi 3 môn là phương án mà các phụ huynh và học sinh đều mong chờ. Khi biết chính xác lịch thi và số môn thi, việc định hình kế hoạch học tập ôn thi, đăng ký nguyện vọng của các em cũng rõ ràng hơn.
Với hơn 130.000 thí sinh tham dự tuyển sinh lớp 10 năm nay, tính chất cạnh tranh của kỳ thi này khá cao, đòi hỏi sự tập trung hỗ trợ, đồng hành cả từ phía nhà trường và gia đình. Từ đầu năm học tới nay, Trường trung học cơ sở Bế Văn Ðàn (quận Ðống Ða) đã triển khai sáu đợt khảo sát cho học sinh lớp 9. Theo Ban giám hiệu nhà trường, việc khảo sát, phân loại hơn 500 học sinh lớp 9 của trường sẽ giúp giáo viên, phụ huynh và các em học sinh nhận thức rõ sự tiến bộ và năng lực thật sự của cá nhân mỗi em. Từ đó, nhà trường sẽ tổ chức các hình thức ôn tập phù hợp với các nhóm học sinh để các em đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi lớp 10.
Tại Trường trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), một hoạt động đã trở thành quen thuộc trong những năm qua là tiếp tục tổ chức các "tiết 0" dành cho học sinh lớp 9. Tiết học được bắt đầu từ 6 giờ 30 phút sáng đến 7 giờ 25phút - trước khi tiết 1 bắt đầu. Trước khi tổ chức các "tiết 0", nhà trường có bài khảo sát để phân loại học sinh. Với những em có học lực cần quan tâm, thầy cô bộ môn sẽ lập các lớp dạy miễn phí cho học sinh trên cơ sở tự nguyện.
Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Trưng Vương chia sẻ: "Trường có 14 lớp 9 với hơn 500 học sinh. Mỗi tuần lớp nào cũng có ít nhất bốn "tiết 0" hoặc tiết học tăng cường. Từng là giáo viên dạy văn nên tôi cũng đăng ký dạy "tiết 0" môn ngữ văn. Tôi tham gia đứng lớp không chỉ để bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh, mà còn mong gần gũi, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, cũng như của phụ huynh".
Ðể bảo đảm quyền lợi của học sinh, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học bảo đảm quyền lợi học tập, tham dự kỳ thi cho tất cả học sinh lớp 9 đủ điều kiện. Các nhà trường tuyệt đối không được vận động học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025.
Năm học 2023-2024, dự kiến toàn thành phố Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở. Thực hiện công tác phân luồng, Hà Nội tuyển vào trường trung học phổ thông công lập khoảng 81.200 em; tuyển vào các trường trung học phổ thông tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 51.800 em.
Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh đăng ký một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Ðức, Nhật, Hàn (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở). Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút.