Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua Bình Dương có tổng chiều dài toàn tuyến 26,6 km với tổng mức đầu tư khoảng 19.280 tỷ đồng, gồm dự án thành phần 5 (xây lắp) được đầu tư 5.752 tỷ đồng và dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) được đầu tư 13.528 tỷ đồng. Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, dự án thành phần 5 được chia làm 4 gói thầu xây lắp, gồm: Xây dựng nút giao Tân Vạn, xây dựng nút giao Bình Chuẩn, xây dựng đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn và xây dựng cầu Bình Gởi. Hiện các gói thầu đang được tập trung thi công với tổng tiến độ xây lắp đạt khoảng 10% khối lượng hợp đồng. Đến nay, ngân sách đã chi 563,5 tỷ đồng, đạt 25,77% tổng vốn được bố trí trong năm. Dự án thành phần 6 có tổng diện tích đất thực hiện dự án khoảng 129 ha; đến nay tổng diện tích đất hiện có để thi công khoảng 120,5 ha/129 ha, đạt 93,4%. Công tác giải ngân trên tổng chi phí bồi thường đã chi hơn 6.752 tỷ đồng, đạt 91%.
Cùng đường vành đai 3, đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh dài 199 km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 47,85 km với điểm đầu giáp cầu Thủ Biên, giáp tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tuyến của dự án đến sông Sài Gòn thuộc thành phố Bến Cát (tỉnh Bình Dương), giáp huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh). Hiện dự án đoạn qua Bình Dương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận Chủ trương đầu tư và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng vốn đầu tư dự án 18.247,9 tỷ đồng. Dự án được chia thành 2 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 là giải phóng mặt bằng và dự án thành phần 2 là xây lắp. Đến nay, dự án thành phần 1 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến đoạn Thủ Biên-Đất Cuốc chiều dài 12,5 km, phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng một số đoạn thẳng trên đoạn tuyến từ Đất Cuốc-sông Sài Gòn (tổng chiều dài khoảng 4,6 km) và các đoạn còn lại (dài khoảng 13,7 km)… Hiện các đơn vị liên quan đang phối hợp nhà đầu tư đề xuất để nhận bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và đã nhận bàn giao khoảng 5,94 km. Đối với dự án thành phần 2 là phần xây lắp đang được Hội đồng thẩm định cấp cơ sở thực hiện công tác thẩm định bảo đảm theo quy định.
Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã thông qua Nghị quyết về việc đồng thuận đề xuất thực hiện Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành có điểm đầu giáp đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đường cao tốc có chiều dài khoảng 59,35 km; trong đó đoạn qua tỉnh Bình Dương có chiều dài 52,25 km và đoạn qua tỉnh Bình Phước có chiều dài 7,1 km. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 17.408 tỷ đồng. Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, hiện các đơn vị liên quan đang hoàn tất các thủ tục, dự kiến triển khai thi công trong dịp 2/9/2024.
Hiện Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, hoàn thiện đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng và nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng khác. Những dự án này hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi kết nối vùng và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối giao thông giữa tỉnh Bình Dương đến Cảng quốc tế hàng không Long Thành cùng các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, hiện cả hệ thống chính trị tại địa phương được huy động với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh và nỗ lực của các sở, ban, ngành, các địa phương nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cốt lõi ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công như chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bố trí nguồn vốn thực hiện di dời công trình hạ tầng kỹ thuật...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, trong lĩnh vực giao thông, tỉnh luôn chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi nhằm kết nối đến sân bay, bến cảng và về trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nguồn nhân lực để người dân, doanh nghiệp đi lại làm việc thuận lợi. Hiện nay tỉnh Bình Dương đang tập trung làm và đạt kết quả rất tốt trong việc mở rộng Quốc lộ 13, triển khai đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh, triển khai đường vành đai 4 và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành. Các tuyến đường này sẽ giúp tỉnh nói riêng và khu vực lân cận nói chung kết nối vùng thuận lợi về Thành phố Hồ Chí Minh và ra các bến cảng hiện nay, giúp Bình Dương và các địa phương lân cận phát triển bền vững ■