Dự kiến 6 tháng cuối năm 2021, nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn, nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa. Việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản giảm mạnh.
Bên cạnh đó, khâu tổ chức sản xuất, thu hoạch, thu mua, lưu thông vận chuyển hàng hóa và vật tư nông nghiệp trong nước hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, lúa vụ hè thu 2021, sản lượng thu mua đã sụt giảm 20-30%, giá lúa cũng giảm sâu do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng dù thị trường trong nước và quốc tế vẫn có nhu cầu.
Đối với lĩnh vực thủy sản, qua rà soát sơ bộ, lượng tôm bố mẹ hiện có khoảng 55.000 con, giống cá tra chủ động sản xuất được khoảng 150-200 triệu cá giống/tháng đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi. Cả nước hiện có 120 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, trong đó có 56 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài (công suất thiết kế khoảng 5,2 triệu tấn/năm) và 64 nhà máy có vốn đầu tư trong nước (công suất thiết kế khoảng 4.730.000 tấn/năm) đủ cung cấp thức ăn cho nuôi trồng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu vận chuyển (kể cả đường bộ và đường thủy). Do cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn với cơ sở nuôi nên cần phải vận chuyển qua các địa phương khác nhau (hằng tháng cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung Bộ và khoảng 150.000 tấn thức ăn từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương vào Tây Nam Bộ), nên yêu cầu việc lưu thông hàng hóa cần tiếp tục được thông suốt để bảo đảm sản xuất.
Mặt khác, trong khâu tiêu thụ cũng gặp vướng là do nhiều nhà máy chế biến thiếu công nhân, không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”… nên phải tạm ngừng hoạt động đang gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở nuôi đến kỳ thu hoạch. Nhất là thời điểm các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm, cá tra, nên cần phải tích cực tháo gỡ nhanh chóng các khó khăn để duy trì hoạt động của nhà máy chế biến.
Thống kê hiện có 324/449 cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” tiếp tục sản xuất, chiếm 72% (riêng Tiền Giang giảm chỉ còn 6/31 cơ sở đáp ứng đủ điều kiện sau khi rà soát). Do thiếu công nhân hoặc chia ca để phòng, chống dịch, nên tổng công suất chế biến thủy sản giảm, chỉ đạt khoảng 30- 50% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16.
Đối với chăn nuôi gia súc gia cầm, dự báo lượng gia cầm vào đàn thấp, có thể có 1 đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết. Cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là tăng lưu thông và chế biến, cấp đông khi giá gia cầm hạ quá thấp.
Trước thực tế đó, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Tổ Công tác 970 đã phối hợp các địa phương tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Giải quyết các khó khăn trong vận chuyển lúa giống, tôm giống, cá giống, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Nhiều đầu mối cung ứng nông sản đã được giới thiệu và hỗ trợ để kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ.
Tính đến ngày 8/8, trang web kết nối cung cầu của Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (htx.cooplink.com.vn) đã có 1.144 đơn vị đăng ký và truy cập thường xuyên. Tổ Công tác cũng đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất, cung ứng nông sản tại 19 tỉnh, thành phố Nam Bộ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, kiến nghị các nội dung liên quan đến vấn đề bảo đảm chuỗi cung ứng, lưu thông tiêu thụ nông sản. Đồng thời, có kiến nghị về việc ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 và tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ chủ động tìm kiếm nguồn vaccine phòng Covid-19 tiêm cho người lao động.