Để giải quyết tình trạng nêu trên, ngày 16/8 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, với mục đích trao đổi, thảo luận chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được, với tinh thần "khó ở đâu gỡ ở đó" đưa ra các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nóng vấn đề thu hồi nợ bảo hiểm xã hội
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội các địa phương, dù nhận được sự quan tâm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương và chỉ đạo sâu sát của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; nhưng do nhiều nguyên nhân, quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao còn gặp khó khăn, nhất là công tác thu hồi nợ bảo hiểm xã hội.
Tại Hà Nội, dù công tác phát triển người tham gia đạt kết quả tốt, nhưng nợ bảo hiểm xã hội có dấu hiệu gia tăng. Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, dù đã triển khai nhiều giải pháp thu hồi nợ, như: thực hiện thanh tra đột xuất đối với đơn vị chậm đóng từ ba tháng trở lên; gửi thông báo đôn đốc tới hai lần/tháng... Trong bảy tháng đầu năm, đã thanh tra 3.819 đơn vị, thu hồi sau khi thanh tra 303,03 tỷ đồng, đạt 84,8%. Tuy nhiên, tổng số tiền chậm đóng trên địa bàn đến nay là 5.163,6 tỷ đồng, chiếm 9,14% số phải thu, trong đó nợ phải tính lãi là 1.855,3 tỷ đồng, chiếm 3,28%... Còn tại Hải Phòng, tổng số tiền chậm đóng 817,9 tỷ đồng, chiếm 6,6% kế hoạch giao, trong đó số nợ khó thu hồi là rất lớn, lên tới gần 800 tỷ đồng. Trước tình hình nêu trên, Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét việc xử lý các khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích; đồng thời có ý kiến với các bộ, ngành về vấn đề nợ đọng, khoanh nợ bảo hiểm xã hội của các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC).
Chia sẻ về tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội tại Bắc Giang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, nguyên nhân khiến tình trạng nợ bảo hiểm xã hội tăng cao tại địa phương là do trong những tháng đầu năm 2022, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn không có thêm các đơn hàng mới hoặc giải thể, phá sản. Đến hết tháng 7/2022, tổng số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 4.242 tỷ đồng, đạt 53,56% kế hoạch giao, trong đó, tổng số tiền chậm đóng 243,6 tỷ đồng, chiếm 3,07% số phải thu. Trong đó, toàn tỉnh Bắc Giang có 154 đơn vị dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải thể, với số tiền hơn 54,1 tỷ đồng (chiếm 0,68% tổng số phải thu), không có khả năng thu hồi nhưng vẫn tính vào tỷ lệ nợ của Bảo hiểm xã hội tỉnh. Bảo hiểm xã hội Bắc Giang đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình cấp có thẩm quyền sớm ban hành cơ chế giải quyết đối với nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn... không còn khả năng thanh toán nợ bảo hiểm xã hội...
Tập trung gỡ vướng mắc
Tại hội nghị, qua các ý kiến phát biểu, phản ánh của đại diện Bảo hiểm xã hội các địa phương, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, những khó khăn, thách thức mà các địa phương đang phải đối mặt từ ảnh hưởng dịch Covid-19, kinh tế giảm sút khiến công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gặp nhiều khó khăn; cùng với đó là một số các quy định chưa rõ ràng khiến tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, khó xử lý tại nhiều địa phương; việc xử lý tồn đọng về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế các năm trước rất phức tạp do một số bệnh viện vượt quỹ, vượt trần, áp sai giá, vượt công suất giường và một số cơ sở y tế gia tăng chi phí bất thường... Tuy nhiên, "càng khó khăn, thách thức, chúng ta càng phải đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, biến nguy thành cơ"-Tổng Giám đốc nhấn mạnh. Đối với vấn đề nợ bảo hiểm xã hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các địa phương, tiếp tục đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ một số nhóm đối tượng từ ngân sách địa phương. Ngành bảo hiểm cần linh hoạt thực hiện các phương thức thu nợ; phối hợp với cơ quan công an ngay từ sớm khi có dấu hiệu trục lợi, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hạn chế tối đa phát sinh nợ kéo dài; đề xuất cơ quan có thẩm quyền thực hiện giải pháp cưỡng chế, thu hồi nợ đối với đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Trên cơ sở ý kiến các địa phương, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã ký Công văn số 2243/BHXH-TST ngày 17/8/2022, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, để khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường công tác đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng của Tổ thu nợ liên ngành; thanh tra, kiểm tra liên ngành và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai danh tính các đơn vị chậm đóng trên các phương tiện thông tin đại chúng; phân công lãnh đạo, cán bộ thường xuyên bám sát, nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, chú trọng đơn vị có sử dụng nhiều lao động, số tiền thu lớn; xây dựng cơ sở dữ liệu những đơn vị chậm đóng lớn (trọng điểm) chiếm 80% số tiền chậm đóng của địa bàn quản lý (hoàn thành trước 30/8/2022); có giải pháp quyết liệt, kịp thời để đôn đốc thu tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không để phát sinh chậm đóng sau thanh tra, kiểm tra hoặc chậm đóng với số tiền lớn, thời gian kéo dài.