Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

NDO - Quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tầm quan trọng của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; phải hoạt động nền nếp, bài bản, thực chất, theo đúng chức năng, nhiệm vụ; hiệu quả công tác ngày càng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đó là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ngày 19/6.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ Trụ sở Trung ương Đảng đến tất cả điểm cầu của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, có 2.500 đại biểu tham dự. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, có các đồng chí thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo); các đồng chí Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương,...

Sau khi nghe Báo cáo sơ kết và ý kiến thảo luận của các đại biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Hội nghị, nêu một số vấn đề có tính chất khái quát để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Tổng Bí thư phân tích, làm rõ 3 câu hỏi: Vì sao chúng ta phải tổ chức Hội nghị này? Nhìn lại 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, kết quả nổi bật đạt được là gì; còn những hạn chế, khó khăn gì; đâu là nguyên nhân và những kinh nghiệm được rút ra? Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở là gì và chúng ta phải làm như thế nào để thực hiện được yêu cầu đó?

Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 1

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa)

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược

Nhìn lại hoạt động sau 1 năm thành lập, Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương, đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao, nhất là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục được hạn chế mà lâu nay ta vẫn nói là "trên nóng, dưới lạnh".

Các Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ tham nhũng, tiêu cực hoặc có nhiều dư luận, đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tiến hành gần 150 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều sai phạm; kiến nghị xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng kéo dài, liên quan cán bộ lãnh đạo địa phương, dư luận bức xúc được tập trung xử lý dứt điểm. Một năm sau khi được thành lập, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát, đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn, nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 2

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa)

Theo Tổng Bí thư, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét từ sau khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao. Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so năm 2021. Số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây; góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", giờ đây "trên nóng" dưới cũng ngày càng nóng lên.

Số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cùng việc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục; phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sự phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ. Một năm qua, các cơ quan chức năng qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện, chuyển cho cơ quan điều tra hơn 280 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tăng gần gấp 3 lần so 1 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng đã phối hợp ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả hơn, không để xảy ra tình trạng "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây". Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự đã trở thành một phong trào, một xu thế không làm không được, được dư luận, nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, vì đã có nhân tố mới là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.

Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa)

Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của Thường trực Ban Chỉ đạo và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, tạo ra sức mạnh tổng hợp, không ai có thể đứng ngoài.

Tổng Bí thư cho rằng, những kết quả bước đầu đạt được sau 1 năm thành lập là cơ sở thực tiễn, khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đúng đắn, cần thiết, kịp thời, được dư luận, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tổng Bí thư tập trung phân tích một số nguyên nhân và kinh nghiệm.

Một là có sự kế thừa, tiếp nối kinh nghiệm sau 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải có quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch sát hợp; lề lối, cách thức làm việc khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và như tôi vẫn thường nói là "đúng vai, thuộc bài".

Hai là, phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ, quyết liệt của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; phát hiện và chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc; chọn lĩnh vực trọng tâm, nhiệm vụ trọng yếu để tập trung chỉ đạo, tạo bước đột phá; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; kịp thời điều chuyển, thay thế cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ và bố trí cán bộ phù hợp.

Ba là, phải thực sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; kịp thời chấn chỉnh những khâu, mắt xích yếu; khi có quan điểm khác nhau thì phải cùng nhau trao đổi và khi đã thống nhất thì quyết tâm thực hiện.

Bốn là, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; cơ quan truyền thông và báo chí; doanh nghiệp, doanh nhân; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, phát huy vai trò và trách nhiệm Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong tham mưu triển khai, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 4

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa)

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư lưu ý một số vấn đề để các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện.

Một là quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; phải hoạt động nền nếp, bài bản, thực chất, theo đúng chức năng, nhiệm vụ; hiệu quả công tác ngày càng cao. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo Trung ương, với chức năng là chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Do vậy, các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, tổ chức công việc, hoạt động phải hết sức khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh phô trương, hình thức, "được chăng hay chớ"; nhất là tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột".

Hai là, phải tiếp tục chỉ đạo nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy đảng, tính tiền phong, gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên; chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng sợ sai, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Từng thành viên Ban Chỉ đạo, cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm, những nơi có nhiều dư luận, phản ánh, đơn, thư về tham nhũng, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân né tránh, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

Các cơ quan, địa phương tập trung xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn; những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Trong đó, tập trung chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Kết hợp việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp với việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng; chú ý tập trung vào các lĩnh vực dễ tham nhũng, tiêu cực hoặc có dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Các Ban Chỉ đạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nhất là chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới; kiên quyết không để nhân sự có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy các cấp.

Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo phát huy mạnh hơn nữa vai trò của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, tiếp tục tham mưu, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực và các cơ quan chức năng làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 5

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa)

Tổng Bí thư lưu ý, thành viên Ban Chỉ đạo trước hết phải là những người thực sự gương mẫu, trong sạch, liêm - dũng - chính - trực, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào, dám nói, dám làm, kiên quyết làm vì lợi ích chung.

Các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phải nỗ lực, cố gắng vươn lên khẳng định vị thế, vai trò là trung tâm khâu nối, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương; chủ động, tích cực, sáng tạo tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; sâu sát, cụ thể, kiên trì, quyết liệt trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Đồng thời phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng thực hiện các kết luận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương để chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án,...

Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, có chính sách đãi ngộ hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận phân tích nêu rõ những việc làm được, việc còn vướng mắc, kinh nghiệm rút ra cho những năm tới với tinh thần phải đẩy lùi bằng được tham nhũng, tiêu cực.

Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 6

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa)

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và kết thúc Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu rõ, bài phát biểu của Tổng Bí thư đã ghi nhận những kết quả bước đầu quan trọng; rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực và nêu lên các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng chí đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là Ban Chỉ đạo và từng thành viên Ban Chỉ đạo các cấp nhận thực đầy đủ sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.