Theo bài viết, hiện nay, Lào có quan hệ ngoại giao với 143 quốc gia, trong đó chỉ có duy nhất một quốc gia Lào có mối quan hệ đặc biệt là Việt Nam. Mối quan hệ đặc biệt giữa Lào-Việt Nam không được sinh ra một cách ngẫu nhiên, mà đã có sự ghi chép bằng chứng về mặt lịch sử, địa lý và nhiều yếu tố quan trọng khác.
Trong suốt 60 năm qua, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam không phải ngẫu nhiên được sinh ra, mà được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính yêu và các bậc cách mạng tiền bối hai nước dựng nền móng, được các thế hệ kế thừa đến ngày nay, trở thành mối quan hệ khó có thể tìm thấy được trong lịch sử quan hệ quốc tế, như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã từng nói: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng tình hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào sẽ mãi mãi bền vững”.
Lào và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962, đến nay đã tròn 60 năm. Trong suốt 60 năm qua, tinh thần đoàn kết chiến đấu, quan hệ hữu nghị anh em giữa nhân dân hai nước Lào-Việt Nam luôn được vun đắp và không ngừng đơm hoa kết trái, thể hiện trong quá trình kề vai sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung cho đến khi xây dựng chế độ mới. Sau khi đất nước được giải phóng, mối quan hệ đặc biệt giữa Lào và Việt Nam lại càng được phát huy, phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu.
Bài viết phân tích, trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, cùng với cuộc đấu tranh trường kỳ anh dũng, quan hệ liên minh chiến đấu anh em Lào-Việt Nam trên mặt trận vũ trang, hai nước còn hợp tác và phối hợp đấu tranh trên các diễn đàn quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ từ quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân hai nước.
Trong giai đoạn bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước, hai nước đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau về nhiều mặt.
Ngày 18/7/1977, Lào và Việt Nam đã ký Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác. Kể từ đó, mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào đã bắt đầu kỷ nguyên mới trong điều kiện mới.
Đến năm 1986, Lào và Việt Nam tiến hành chính sách đổi mới, hai Đảng, hai Chính phủ đã cùng trao đổi và phối hợp về mặt đường lối chính sách và lý luận, cùng nhau rút kinh nghiệm đồng thời giúp đỡ lẫn nhau triển khai trong thực tế.
Hiện nay, hai nước tiếp tục phát huy mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu, cả ở cấp trung ương và địa phương vì lợi ích của nhân dân hai nước và đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực: chính trị-ngoại giao; đào tạo nguồn nhân lực; quốc phòng-an ninh; kinh tế, thương mại và đầu tư; văn hóa-xã hội và y tế.
Bài viết khẳng định, mối quan hệ giữa hai nước trở thành mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, trở thành hình mẫu trong sáng trong quan hệ quốc tế, như các nhà lãnh đạo hai nước đã đánh giá: mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào là mối quan hệ đặc biệt không ai có, là di sản vô giá của hai nước, đã trở thành quy luật trong sự tồn tại và phát triển của hai nước.
Bên cạnh những kết quả tốt đẹp, bài viết cũng chỉ ra quan hệ hai nước vẫn tồn tại một số vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết, như: hợp tác về kinh tế vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với mối quan hệ về chính trị; có những ngành và địa phương việc hợp tác còn chưa đi vào chiều sâu; hợp tác trong nhiều dự án còn chậm, chất lượng chưa cao, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.
Để tiếp tục bảo vệ, vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam ngày càng phát triển, bài viết cũng kiến nghị trong thời gian tới cần tập trung tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức, người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu về truyền thống đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Đồng thời, hai bên cần tích cực, chủ động nghiên cứu, kết nối và tổ chức thực hiện hiệu quả các hiệp định và quyết định của hai Bộ Chính trị, hai Chính phủ, các ngành và các địa phương hai nước; phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề với sự chân thành, tin cậy lẫn nhau trên cơ sở đồng chí anh em.
Hai bên cần quan tâm nghiên cứu, chấn chỉnh các quy định và cơ chế cho phù hợp với mối quan hệ đặc biệt, đáp ứng lẫn nhau, vừa phù hợp với những quy định của hội nhập khu vực và quốc tế.
Bài viết cũng nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, hai bên cần phải tiếp tục bảo vệ mối quan hệ và tình đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam cho thật vững bền, có ý thức cảnh giác và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống lại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; đồng thời tăng cường hợp tác và phối hợp trong các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Bài viết cũng bày tỏ tin tưởng, thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu sắc và cụ thể giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, hai bên sẽ cùng nhau xây dựng đất nước và bảo vệ được thành quả cách mạng; kinh tế-xã hội sẽ ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện và từng bước nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước, tiến lên mục tiêu chủ nghĩa xã hội.