Chuyến thăm khẳng định chủ trương nhất quán của Ðảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với các quốc gia bạn bè tại châu Phi, trong đó có Guinea-Bissau.
Nằm ở phía tây châu Phi, bên bờ Ðại Tây Dương, Guinea-Bissau có tài nguyên thiên nhiên phong phú, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Hạt điều là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu và là nguồn thu ngoại tệ chính giúp cải thiện kinh tế đất nước, ngoài ra có đậu đỗ, dầu cọ, nông sản. Các sản phẩm nhập khẩu chính là xăng dầu, lương thực, vật liệu xây dựng, máy móc…
Những năm gần đây, kinh tế Guinea-Bissau có dấu hiệu khởi sắc, với GDP năm 2023 đạt gần hai tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.000 USD. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt hơn 4,2% và ước đạt 4,7% trong năm 2024.
Guinea-Bissau thực hiện chính sách đối ngoại không liên kết, duy trì quan hệ tốt với các nước lớn và Cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Ðào Nha (CPLP). Thời gian gần đây, Guinea-Bissau có nhiều nỗ lực nâng cao vị thế trên trường quốc tế, khi vừa đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch luân phiên Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) năm 2023 và sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên CPLP trong năm 2025.
Guinea-Bissau đang tích cực đẩy mạnh quan hệ với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó nổi bật là việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc tháng 7/2024. Guinea-Bissau là thành viên Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), ECOWAS, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF)…
Việt Nam và Guinea-Bissau có quan hệ hữu nghị truyền thống.
Việt Nam và Guinea-Bissau có quan hệ hữu nghị truyền thống. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/9/1973 và thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn dàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Gần đây, Guinea-Bissau ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Trao đổi thương mại là lĩnh vực chủ yếu trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Guinea-Bissau. Hiện nay, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Guinea-Bissau, còn quốc gia này là một trong năm đối tác cung ứng hạt điều nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi trong nhiều năm qua. Tổng kim ngạch thương mại năm 2023 giữa hai nước đạt gần 170 triệu USD, trong đó chủ yếu Việt Nam nhập nguyên liệu điều thô. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Guinea-Bissau gồm gạo, thiết bị, sản phẩm hóa chất, hàng rau quả...
Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác văn hóa, kinh tế, khoa học-kỹ thuật và thương mại (năm 1994); Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công thương và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Nâng cao giá trị các sản phẩm địa phương Guinea-Bissau (năm 2014).
Hợp tác giữa Việt Nam và Guinea-Bissau, nhất là hợp tác thương mại, có tiềm năng lớn. Trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam năm 2018, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Thủ công nghiệp Guinea-Bissau khẳng định: Guinea-Bissau có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn gạo từ Việt Nam.
Tháng 3/2023, Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Guinea-Bissau có thư gửi Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam bày tỏ mong muốn thăm Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm tăng cường phát triển chuỗi giá trị chiến lược, nhằm cải thiện an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embalo và Phu nhân là dịp để các nhà lãnh đạo hai nước thảo luận các biện pháp đẩy mạnh quan hệ trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống như chính trị, kinh tế, thương mại, nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến; đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới, như xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng biển, khai khoáng.
Chúc chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embalo và Phu nhân thành công tốt đẹp, tạo xung lực thúc đẩy và mở rộng hợp tác giữa hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.