Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, vốn đầu tư giảm, một số chính sách hỗ trợ người dân không còn nên nhiều xã vùng cao tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái sau khi về đích nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì và nâng cao các tiêu chí.
Khó duy trì tiêu chí nông thôn mới
Năm 2015, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh là xã vùng cao đầu tiên của tỉnh Hà Giang đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2021, đây cũng là xã đầu tiên bị thu hồi quyết định đạt chuẩn nông thôn mới vì không duy trì được tiêu chí thu nhập, tiêu chí điện.
Xã Mậu Duệ có 1.352 nhân khẩu sinh sống ở 17 thôn. Cuộc sống của người dân dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nhưng do điều kiện đất đai hạn chế, chăn nuôi nhỏ lẻ nên người dân chỉ đủ ăn. Từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ giống, vốn không còn nên người dân gặp khó khăn hơn trong việc đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Do đó, xã không duy trì được tiêu chí thu nhập. Số hộ nghèo ở xã đã tăng lên 40%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 29 triệu đồng/năm.
Bí thư Đảng ủy xã Mậu Duệ Lê Quang Điệp cho biết: "Cấp ủy, chính quyền địa phương đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thiện hai tiêu chí không đạt để xã được công nhận lại. Năm nay, huyện bố trí vốn đầu tư hai công trình để cấp điện cho ba thôn vùng cao, cuối năm, tiêu chí điện sẽ hoàn thành. Thế nhưng, tiêu chí thu nhập rất khó thực hiện bởi khi về đích nông thôn mới, xã chuyển từ vùng 2 về vùng 1, các chính sách hỗ trợ không còn. Xã cũng vận động người dân học nghề, đi lao động tại các khu công nghiệp, vận dụng nhiều hình thức giúp dân tăng thu nhập, nhưng rất khó để theo kịp tiêu chí thu nhập".
Đây là thực trạng chung ở nhiều xã vùng cao về đích nông thôn mới tại Hà Giang. Tiêu chí thu nhập đối với các xã nông thôn mới tăng hằng năm nên thu nhập của người dân vùng cao không theo kịp (năm 2015, tiêu chí thu nhập là 25 triệu đồng, đến năm 2022 là 39 triệu đồng/năm). Thậm chí tình trạng tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới hằng năm ở các xã chiếm 30% số hộ thoát nghèo.
Tại tỉnh Tuyên Quang, đến năm 2021 có 54 xã về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số xã chưa thật sự bền vững. Đời sống, thu nhập của người dân nông thôn còn nhiều khó khăn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hạn chế nhất là tiêu chí môi trường, đây là tiêu chí dễ thực hiện nhưng khó duy trì. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, thực trạng ở các xã về đích nông thôn mới là việc thu gom, xử lý rác thải còn nhiều bất cập do người dân sống rải rác, chưa có đội ngũ thu gom rác chuyên trách. Vì thế, họ tự xử lý rác bằng cách chôn lấp, đốt lộ thiên, thậm chí vứt rác xuống sông, suối gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ hộ dân có nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt thấp. Bên cạnh đó, tỉnh còn khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí về nhà ở, với hơn 3.800 hộ nghèo (chiếm 19,96%) ở nhà tạm, dột nát.
Tương tự, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là cấp huyện đầu tiên ở vùng núi Tây Bắc hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Sau khi về đích đã xuất hiện những khó khăn do một số chính sách bị cắt giảm. Toàn huyện có hơn 31.000 người không được hỗ trợ bảo hiểm y tế, tỷ lệ người mua bảo hiểm y tế từ gần 97% tụt xuống còn 58%. Ông Nguyễn Tiến Chiển, Bí thư Đảng ủy xã Quy Mông, huyện Trấn Yên cho biết: "Xã có hơn 6.000 khẩu, sau khi được công nhận xã nông thôn mới có 2.497 người không được hỗ trợ bảo hiểm y tế, tỷ lệ thẻ giảm từ 94% xuống còn 48%. Người dân phản ánh lên xã, gặp nhiều khó khăn khi ốm đi viện vì mất nhiều tiền viện phí".
Tháo gỡ bất cập, khó khăn
Để tháo gỡ khó khăn, các địa phương có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế; xã hội hóa nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các chính sách về bảo hiểm y tế, hỗ trợ học sinh đến trường. Tại Hà Giang, năm 2021 đã triển khai chương trình cải tạo vườn tạp, giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021-2025). Mục tiêu nhằm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, tạo sinh kế, giúp các hộ nghèo tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đến nay, đã có hơn 3.000 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn và được hỗ trợ 100% lãi suất để cải tạo vườn tạp, có nguồn thu ổn định. Huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cũng đã huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tặng sổ bảo hiểm y tế và hỗ trợ tiền đóng cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Bảo hiểm xã hội huyện cũng linh hoạt điều chỉnh phương thức đóng bảo hiểm, đóng sáu tháng, ba tháng, hằng tháng để người dân có điều kiện tham gia. Từ đó, số người tham gia bảo hiểm y tế tại huyện đã tăng từ 58% lên 96%.
Tuy nhiên, về lâu dài, để các xã nông thôn mới ở vùng cao duy trì và nâng cao tiêu chí thì Trung ương và các địa phương cần ưu tiên các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội. Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết, bộ tiêu chí xã nông thôn mới được Trung ương ban hành đều phân ra các vùng khác nhau, nên mức độ xã đạt chuẩn nông thôn mới của từng vùng khác nhau. Tuy nhiên, sau khi về đích nông thôn mới thì xã vùng cao hay xã vùng thấp đều là vùng 1 nên các chính sách thực hiện như nhau. Sau khi về đích nông thôn mới, nguồn vốn đầu tư về cơ sở hạ tầng tại các xã vùng cao hầu như bị cắt giảm. Nguồn lực trong dân cũng đuối dần vì đã dồn sức trong thời gian phấn đấu về đích nông thôn mới. Do đó, rất khó để thực hiện các tiêu chí nâng cao về cơ sở hạ tầng hoặc các tiêu chí còn đạt thấp. Trung ương cần cân nhắc ban hành các chính sách cho các xã về đích nông thôn mới ở các huyện vùng đặc biệt khó khăn nhằm bảo đảm công bằng.
Cùng chung quan điểm đó, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, Nhâm Xuân Trường cho biết, cốt lõi của việc xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Thế nhưng ở các xã miền núi, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trình độ canh tác hạn chế. Lao động trẻ về các khu công nghiệp tìm việc làm, số lao động nông thôn còn lại là người già, phụ nữ nên năng suất lao động không cao. Địa hình núi cao, chia cắt mạnh, suất đầu tư cho hạ tầng nông thôn cao, trong khi ngân sách của tỉnh, huyện eo hẹp, là trở ngại khi tiếp tục giữ vững và đạt nông thôn mới nâng cao. Để tháo gỡ khó khăn, ngoài việc tiếp tục phát huy nội lực của người dân thì chính sách của Nhà nước cần đồng bộ, bảo đảm công bằng giữa các vùng, bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 cần được các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn chi tiết các chỉ tiêu, làm căn cứ tổ chức triển khai tại cơ sở, nhất là việc phân bổ kinh phí.
Hiện nay, các địa phương đang triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 1 (2021-2025). Đây là nguồn lực rất lớn để các tỉnh miền núi phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Do đó, khi ban hành nghị quyết về định mức, phân bổ nguồn vốn thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương cần phân bổ nguồn lực hỗ trợ các xã đã về đích nông thôn mới ở các huyện vùng cao, tạo sức bật cho người dân vươn lên, nâng cao các tiêu chí hạ tầng nông thôn. Tránh tình trạng dồn lực cho các xã đang phấn đấu về đích mà bỏ quên các xã đã về đích nông thôn mới.
Ngoài ra, ở nhiều địa phương có hiện tượng bằng lòng với những tiêu chí đạt được hoặc tư tưởng "xả hơi" sau khi xã được công nhận nông thôn mới. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, duy trì, chấn chỉnh hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các xã đã về đích, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để các xã phấn đấu thực hiện việc duy trì, nâng cao tiêu chí nông thôn mới. Nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.