COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới liên tục xuất hiện thiên tai bất thường; bất ổn chính trị gây ra khủng hoảng toàn cầu về năng lượng, lương thực. Một số quốc gia đã trì hoãn hoặc giảm tham vọng trong các chính sách về khí hậu và thậm chí chuyển hướng quay về sử dụng năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các bên, kết quả chính của Hội nghị COP27 là đã thông qua được Kế hoạch làm việc Sharm el-Sheikh với các nội dung cụ thể.
Về vai trò của khoa học và tình trạng khẩn cấp khí hậu, khẳng định tầm quan trọng của thông tin khoa học và đóng góp của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc; ghi nhận những khoảng trống về thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; khẳng định mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giữ cho nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 2oC, phấn đấu đạt ngưỡng 1,5oC. Về năng lượng, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết thực hiện ngay giảm phát thải từ tất cả các lĩnh vực, trong đó có thông qua phát triển năng lượng ít phát thải, năng lượng tái tạo, đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng và các hình thức hợp tác khác.
Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ghi nhận để đạt mục tiêu 1,5oC vào cuối thế kỷ của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cần đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu 43% vào năm 2030 so với năm 2019; nêu bật tầm quan trọng của giảm phát thải ngay trong thập niên này trên cơ sở bình đẳng và thông tin khoa học tốt nhất hiện có, phù hợp nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện quốc gia và bối cảnh phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo…
Về tài chính, để có thể đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhu cầu đầu tư khoảng 4.000 tỷ USD mỗi năm cho năng lượng tái tạo cho đến năm 2030; việc chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp dự kiến sẽ cần đầu tư ít nhất từ 4.000 tỷ đến 6.000 tỷ USD mỗi năm; khẳng định nhu cầu thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của các nước đang phát triển là từ 5.800 tỷ đến 5.900 tỷ USD cho giai đoạn trước năm 2030.
Về phát triển và chuyển giao công nghệ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ đối với đổi mới sáng tạo trong việc thực hiện các hoạt động chương trình làm việc chung của Ủy ban Công nghệ và mạng lưới Trung tâm công nghệ khí hậu giai đoạn 2023-2027 tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cần thiết để đạt mục tiêu của Công ước và Thỏa thuận Paris, mời các bên tham gia hỗ trợ thực hiện chương trình làm việc chung bao gồm đánh giá nhu cầu công nghệ, kế hoạch hành động và lộ trình thực hiện…
Đánh giá về kết quả COP27 và những đóng góp của Việt Nam tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, COP27 đã nhận được sự tham gia, ủng hộ mạnh mẽ của các nước đang phát triển, nhất là các nước châu Phi và các nước đảo nhỏ. Hội nghị đã thông qua Bản kế hoạch thực hiện, với ngôn ngữ khá mềm dẻo, thể hiện cân bằng quan tâm của các bên; đồng thời thống nhất được việc thành lập Quỹ Tổn thất và thiệt hại. Đây là thành công có ý nghĩa chính trị đối với các nước đang phát triển dễ bị tổn thương sau hơn 30 năm đấu tranh.
Việc thành lập Quỹ khẳng định vấn đề công lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu, theo đó các nước phát triển đã chấp nhận bồi thường cho những tổn thất, thiệt hại tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc đóng góp tiền cho Quỹ, cách thức đánh giá tổn thất và thiệt hại để thực hiện chi trả và mức độ chi trả sẽ còn mất nhiều thời gian để thảo luận. Đáng chú ý, chuyển đổi năng lượng công bằng cũng lần đầu được nêu trong văn kiện cuối cùng của Hội nghị COP27. Đây là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm theo đuổi và là xu thế tất yếu để giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu theo mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các nội dung khác nhìn chung đạt được kết quả khá hạn chế như giảm phát thải khí nhà kính (không có cam kết rõ ràng của các nước phát thải nhiều về việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng như đưa ra các cam kết mới về giảm phát thải khí nhà kính); tài chính khí hậu nhất là tài chính cho thích ứng (cam kết tài chính trong văn kiện cuối cùng rất chung chung, thấp hơn so với cam kết được đưa ra tại COP26, không có nhiều cam kết tài chính mới của các nước mà chủ yếu nhắc lại các cam kết đã nêu tại COP26, không thông qua được định nghĩa về tài chính cho khí hậu)...
Đối với đoàn Việt Nam, trong suốt quá trình đàm phán của COP27, các thành viên đã tích cực tham gia các phiên đàm phán, nhận định diễn biến, nắm bắt quan điểm của mỗi nước, các nhóm nước, trao đổi ý kiến với các đại biểu quốc tế, góp phần xây dựng các quyết định của COP27. Đáng mừng, rất nhiều nước, tổ chức quốc tế đã tranh thủ, chủ động gặp gỡ đoàn Việt Nam để tìm hiểu về khả năng hợp tác, huy động nguồn lực để Việt Nam thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Khẳng định những nỗ lực của Việt Nam triển khai thực hiện các cam kết khí hậu, việc thực hiện các cam kết tại COP26 đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và thấy được cơ hội hợp tác với Việt Nam để thực hiện.
Trên cơ sở những kết quả của COP27 và những ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương thành lập Nhóm Công tác khí hậu giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu, thay mặt Chính phủ hai nước đồng chủ trì.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Báo cáo kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu cho Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu để hoàn thành nghĩa vụ một bên tham gia công ước; chủ trì, phối hợp các Bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, áp dụng các biểu mẫu báo cáo chung được thông qua tại COP27 trong kiểm kê quốc gia khí nhà kính và báo cáo tiến độ thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật phù hợp với Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thực hiện NDC cập nhật và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; tiếp tục rà soát, cập nhật các quy định có liên quan phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định của các hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu...