Tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp

Để hiện thực hóa mục tiêu áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào năm 2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố chi tiết bản hướng dẫn cuối cùng về cách thức đưa quy định thuế mới vào luật quốc gia. Cải cách hệ thống thuế toàn cầu được xem là nhu cầu cấp thiết, nhằm xây dựng sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: Thành Đạt)
(Ảnh minh họa: Thành Đạt)

Hướng dẫn của OECD được soạn thảo với mục đích giúp chính phủ các nước thông qua mã số thuế một cách nhất quán, hạn chế các chi phí và nguy cơ xảy ra xung đột. OECD cũng bổ sung chi tiết phạm vi các công ty áp dụng cũng như các bước thực hiện và chuyển đổi. Giới chức Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh, những bước tiến trong quá trình triển khai mức thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, bảo vệ người lao động và các gia đình bằng cách chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" về thuế doanh nghiệp.

Cùng với nỗ lực của OECD, các nước trên thế giới cũng đang ráo riết triển khai áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế toàn cầu ở mức 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni nhấn mạnh, đây là bước đi quan trọng hướng tới tạo sự công bằng về thuế và công bằng xã hội.

Theo ông Gentiloni, việc áp mức thuế tối thiểu đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các thách thức của nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, nước này đang chuẩn bị thủ tục pháp lý trong nước để áp dụng quy định mới về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Thụy Sĩ cũng dự kiến tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này vào tháng 6 tới.

Năm 2021, gần 140 nước đã nhất trí áp dụng mức thuế tối thiểu để chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp đa quốc gia tìm cách gian lận. Theo quy định, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%. Được đánh giá là một bước đi mang tính bước ngoặt đối với nỗ lực cải cách hệ thống thuế toàn cầu, quy định nêu trên là một cột mốc quan trọng giúp các nước thu hẹp lỗ hổng trong quản lý thuế.

Năm 2021, gần 140 nước đã nhất trí áp dụng mức thuế tối thiểu để chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp đa quốc gia tìm cách gian lận. Theo quy định, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%.

Quy định này giúp ngăn chặn tình trạng các công ty đa quốc gia tận dụng triệt để những kẽ hở pháp lý để chỉ phải trả mức thuế thấp ở các "thiên đường thuế", trong khi không đóng thuế tại những nước mang lại lợi nhuận cho mình.

Giới chuyên gia nhận định, quy định về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các quốc gia bởi đây sẽ là công cụ hữu hiệu để xử lý tình trạng trốn thuế đầy nhức nhối hiện nay, đồng thời tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp, khuyến khích cạnh tranh tích cực, từ đó thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phát triển.

Bên cạnh đó, biện pháp nêu trên cũng mang lại nguồn tài chính đáng kể cho các nước. Uớc tính mới nhất của OECD cho thấy, việc áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ giúp tăng 220 tỷ USD nguồn thu hằng năm cho các chính phủ. Theo giới phân tích, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang phải gồng mình chống chọi các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, chi phí sinh hoạt…, nguồn thu đáng kể từ cuộc chiến chống gian lận thuế sẽ góp phần giúp chính phủ các nước chèo lái con thuyền kinh tế vượt qua giai đoạn sóng gió hiện nay, sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững.

Mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu chỉ là một phần trong thỏa thuận cải cách thuế do OECD đề xuất. Nội dung liên quan việc đánh thuế các công ty tại nơi có hoạt động sinh lời hiện vẫn đang được thảo luận. Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nhấn mạnh, khi được hoàn thiện và đưa vào thực hiện, những quy định này sẽ định hình các thỏa thuận thuế quốc tế trong nhiều thập niên tới.