Tạo nguồn cán bộ trẻ ở Hải Phòng

Xuất phát từ nhiệm vụ, mục tiêu phát triển giai đoạn mới, thành phố Hải Phòng đã chủ động ban hành, triển khai nhiều giải pháp trong đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ được thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Quá trình này góp phần tạo nguồn cán bộ để bổ sung kịp thời vào các vị trí, khắc phục tình trạng trì trệ, khép kín và tư tưởng cục bộ địa phương, đơn vị; điều chỉnh, bố trí lại đội ngũ cán bộ theo yêu cầu phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo thành phố tham quan triển lãm về chuyển đổi số do cán bộ trẻ làm nòng cốt. (Ảnh MAI ANH)
Lãnh đạo thành phố tham quan triển lãm về chuyển đổi số do cán bộ trẻ làm nòng cốt. (Ảnh MAI ANH)

Khâu đột phá gắn liền môi trường rèn luyện

Từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành chủ trương tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị giai đoạn 2020-2025. Hằng năm, thành phố tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ gắn liền với chuẩn hóa, trẻ hóa cán bộ. Các cấp ủy thực hiện nền nếp và hiệu quả từ khâu đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ; ưu tiên chọn, cử cán bộ trẻ tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo đó, 100 học viên là cán bộ trẻ cấp huyện (dưới 30 tuổi) của thành phố được bồi dưỡng lý luận chính trị, hoàn thiện tiêu chuẩn cán bộ luân chuyển theo quy định.

“Những năm gần đây, đội ngũ cán bộ trẻ của thành phố cơ bản được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, có khả năng vận dụng tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn ở địa phương, đơn vị công tác. Với chủ trương thống nhất, các cấp ủy, chính quyền thành phố tập trung quy hoạch, đào tạo nhằm từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ các cấp, kết hợp được các độ tuổi, bảo đảm tính kế thừa và phát triển trong công tác cán bộ. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố thực hiện tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã”, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Vinh trao đổi.

Thành phố đồng thời xác định môi trường rèn luyện hiệu quả cho cán bộ trẻ bằng chính thực tiễn công tác tại cơ sở. Theo đó, việc sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ giữa các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội thành phố được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Trong nửa nhiệm kỳ qua, có 61 trường hợp cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được sắp xếp, bố trí, điều động. Cụ thể, số cán bộ thành phố về quận, huyện là 15 lượt; 15 lượt cán bộ quận, huyện lên thành phố; 29 lượt cán bộ sở, ngành này sang sở, ngành khác; 26 lượt cán bộ luân chuyển trong khối chính quyền và sang khối đảng, đoàn thể và ngược lại. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 308 trường hợp cán bộ diện quận ủy, huyện ủy quản lý được điều động, luân chuyển sang vị trí mới để rèn luyện, bồi dưỡng. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hồng Bàng Đỗ Việt Hưng cho biết, quá trình này đã thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn theo mục tiêu đề ra.

Tựu trung, thành phố đã lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch, bảo đảm được đào tạo cơ bản, có triển vọng phát triển, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác tốt gắn liền với rèn luyện, thử thách trong thực tiễn.

Tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã

Với chủ trương nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định tăng cường sáu cán bộ trẻ dưới 35 tuổi được đào tạo chính quy, bài bản giữ các chức vụ phó bí thư cấp ủy, phó chủ tịch UBND cấp huyện. Việc luân chuyển cán bộ được thực hiện đồng bộ theo cả chiều dọc và chiều ngang, từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên; từ cơ quan, địa phương này sang cơ quan, địa phương khác. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ tại các quận ủy, huyện ủy được thực hiện trên cơ sở bám sát các quy định của Trung ương, Chính phủ, thành phố và tình hình thực tiễn, điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.

Các quận ủy, huyện ủy đã thực hiện tăng cường 19 đồng chí cán bộ trẻ dưới 30 tuổi giữ chức vụ cán bộ lãnh đạo cấp xã; trong đó, khối cơ quan đảng, đoàn thể 8 đồng chí; khối các phòng chuyên môn 11 đồng chí. Thực tế cho thấy cán bộ tăng cường về huyện, xã đều được cấp ủy, tập thể lãnh đạo đánh giá là cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Có 4 đồng chí được điều động bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn trước khi luân chuyển: Bùi Đức Tuấn, Phó Bí thư Quận đoàn Hải An nay giữ chức vụ Bí thư Quận đoàn Hải An; Trần Cao Cường, chuyên viên Ban Tổ chức Quận ủy Kiến An nay giữ chức Chủ tịch UBND phường Quán Trữ, quận Kiến An; Nguyễn Thị Duyên, chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Lãng giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện đoàn Tiên Lãng; Trần Quang Huy, Chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy Cát Hải giữ chức vụ Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Cát Hải.

Ban Thường vụ Thành ủy, các quận ủy, huyện ủy quán triệt, triển khai đồng bộ chủ trương bố trí, sắp xếp bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND không phải là người địa phương. Đến nay, thành phố có 11/15 bí thư cấp ủy và 12/15 chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương; có 91/217 bí thư cấp ủy, 83/217 Chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Lão Trần Văn Tuấn cho biết, hiện tại đội ngũ cán bộ chủ chốt ở 15 đơn vị xã, thị trấn có tỷ lệ trẻ tuổi cao và hầu hết không phải người địa phương, đã góp phần bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của huyện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực tế tại các quận, huyện cho thấy, ngày càng có nhiều cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển tốt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; qua đó khắc phục tình trạng cục bộ tại một số địa phương, phát huy được dân chủ trong sinh hoạt cấp ủy, kịp thời bổ sung, thay thế những cán bộ lãnh đạo không đủ năng lực lãnh đạo, uy tín thấp.

Tuy nhiên, việc luân chuyển cán bộ theo chủ trương của Thành ủy đang gặp khó khăn về nguồn cán bộ trẻ đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Việc tiếp nhận, tuyển dụng công chức nhà nước và điều động, luân chuyển cán bộ từ cấp huyện xuống cấp xã và ngược lại còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Mặt khác, một số cán bộ trẻ quá trình công tác “mỏng”, chưa có sản phẩm nổi trội nhưng sớm được phân công giữ chức vụ cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã đã tạo nên tâm lý so sánh, tác động đến động lực phấn đấu, công tác của đội ngũ cán bộ tại chỗ… Các cấp ủy của Hải Phòng đang tập trung giải quyết vấn đề này, nhằm bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo và góp phần chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 theo định hướng về số lượng, cơ cấu của Trung ương ■