Tạo môi trường an toàn cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

NDO -

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Dự án “Vì một thế giới bảo đảm quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái” đã có tác động tích cực đến nhận thức và chuyển đổi hành vi của cha mẹ, giáo viên, chính quyền địa phương, thể hiện qua: Chất lượng học tập của trẻ em dần cải thiện, trẻ ngày càng mạnh dạn tự tin hơn, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ được cải thiện rõ rệt.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Chiều 20/12, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam phối hợp Tổ chức Plan International Việt Nam và Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn Việt Nam) tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Vì một thế giới bảo đảm quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái” giai đoạn 2017-2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối giữa 3 điểm cầu: Hà Nội, thành phố Lai Châu và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).

Dự án “Vì một thế giới bảo đảm quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái” tập trung vào việc thúc đẩy hệ thống chăm sóc, giáo dục an toàn và thân thiện với trẻ em thông qua hai hợp phần: Chăm sóc, giáo dục trẻ thơ và giảm nhẹ rủi ro thiên tai đối với trẻ em, được thực hiện tại tỉnh Lai Châu và Kon Tum từ tháng 1/2017 đến 12/2021.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Dự án cơ bản đã đạt các mục tiêu đặt ra và có tác động quan trọng đến các nhóm đối tượng hưởng lợi như: trẻ em, giáo viên, cha mẹ, tình nguyện viên, hội viên phụ nữ, chính quyền địa phương... Các hoạt động dự án đã góp phần cải thiện sự phát triển của trẻ em tại địa bàn Dự án: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi tại các xã dự án giảm rõ rệt tỷ lệ từ 25,68% năm 2017 xuống còn 14,37% năm 2021; kết quả học tập của trẻ 6-8 tuổi được cải thiện (94,30% trẻ lớp 2 đạt chuẩn môn tiếng Việt và 96,35% đạt chuẩn môn toán).

Học sinh từ 8-15 tuổi được gia tăng năng lực về giảm nhẹ rủi ro thiên tai/biến đổi khí hậu để tích cực thúc đẩy môi trường an toàn ở cộng đồng và trường học; cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em 0-8 tuổi và các điều kiện bảo đảm an toàn ở trường học. Cha mẹ có con 0-8 tuổi trong vùng dự án có khả năng tạo môi trường kích thích để trẻ phát triển toàn diện và được nâng cao kiến thức và kỹ năng về phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai/thích ứng với biến đổi khí hậu ở trường và cộng đồng.

Việc nhân rộng mô hình Nhóm cha mẹ ở ngoài vùng dự án đã được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai tại 46 tỉnh, thành phố, với 1.115 nhóm cha mẹ, 42.674 thành viên, gắn với nhiệm vụ của Hội.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết: "Dự án 'Vì một thế giới bảo đảm quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái' với mục tiêu tạo ra môi trường an toàn cho mọi trẻ em tại vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được phát triển một cách toàn diện; giúp trẻ em có kỹ năng thích ứng với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường năng lực và sự tham gia của trẻ em, cha mẹ, cộng đồng, chính quyền địa phương".

"Tuy nhiên, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế cơ hội tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí… Do đó, chúng tôi nhận thấy rằng cần tiếp tục có sự vào cuộc và cam kết mạnh mẽ của các ban, bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương; sự đồng hành tích cực của các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước để có những cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù hỗ trợ toàn diện cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi", Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương chia sẻ thêm.