Tạo lập niềm tin số trong ngành bảo hiểm xã hội

Ngày 15/3/2024, Ban cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam. Nghị quyết nhận định, an toàn thông tin mạng là nhiệm vụ quan trọng và đột phá để tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh và phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ sự phát triển của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia...
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2024 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. (Ảnh TÂM TRUNG)
Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2024 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. (Ảnh TÂM TRUNG)

Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2024, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, việc “phòng thủ chủ động, nhận diện thủ đoạn trong tấn công mạng, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng... sẽ giúp công tác an toàn thông tin mạng của ngành tiếp tục có những bước tiến vượt bậc, tạo nền tảng quan trọng để triển khai các hoạt động chuyển đổi số”.

Chủ động phòng tránh các nguy cơ tấn công qua mạng

Trong những năm qua, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Trong 9 lĩnh vực quan trọng của việc phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số, an toàn thông tin mạng và an ninh mạng được xác định là một tiêu chí riêng bên cạnh các tiêu chí về xây dựng thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển hệ thống. Trong nỗ lực tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia và các đề án của Chính phủ liên quan đến chuyển đổi số, việc bảo đảm an toàn thông tin mạng là nhiệm vụ quan trọng và đột phá để tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh và phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ sự phát triển của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhằm thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của an toàn thông tin mạng, Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ được ban hành, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác

bảo đảm an toàn thông tin mạng của ngành; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, phân tích rõ các nguyên nhân, qua đó đề ra các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong toàn hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, hiện nay, toàn bộ các hệ thống phần mềm quản lý, phần mềm nghiệp vụ và các giao dịch với tổ chức, cá nhân đều được thực hiện trên môi trường mạng. Cùng với đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang từng bước hoàn thiện và được đưa vào khai thác, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương; cũng như việc triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 của Chính phủ, chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, thì việc bảo đảm an toàn cho toàn bộ hệ thống thông tin của ngành là một thách thức rất lớn trước những nguy cơ tấn công mạng, với kỹ thuật ngày càng tiên tiến, tinh vi của tội phạm công nghệ cao như hiện nay.

Vì vậy, để nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách an toàn thông tin, tổ chức các hoạt động diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin; bồi dưỡng, tập huấn cho toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động về công tác bảo đảm an toàn thông tin, nâng cao cảnh giác trước những hành vi lừa đảo, phòng ngừa các nguy cơ tấn công qua mạng...

An toàn thông tin mạng là nhiệm vụ quan trọng và đột phá

Tại Hội nghị, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã báo cáo, đánh giá tình hình quản lý công tác bảo đảm an toàn thông tin ngành BHXH Việt Nam và công tác phân loại, xác định lập hồ sơ đề xuất cấp độ. Các chuyên gia đến từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã chia sẻ một số nội dung về an toàn thông tin, an ninh mạng trên thế giới và tại Việt Nam, cũng như việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong giai đoạn hiện nay và những rủi ro lộ lọt tài khoản, cách nhận diện, phòng chống.

Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong triển khai Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, cán bộ chuyên trách an toàn thông tin mạng của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố để đội ngũ này là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các đơn vị. Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp kỹ thuật; thường xuyên giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm an toàn thông tin mạng; khoanh vùng, cô lập, khống chế các sự cố để giảm thiểu thiệt hại về tài sản thông tin, dữ liệu; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, vai trò của công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng ■

Theo kết quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến hết tháng 3/2024, toàn ngành tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trong kết nối, chia sẻ dữ liệu; triển khai dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, về kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám chữa bệnh, Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực hơn 96 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do ngành quản lý, trong đó có khoảng 87,75 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chiếm 97,3% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về tích hợp thông tin sổ bảo hiểm xã hội trên ứng dụng VneID đã có hơn 15,4 triệu lượt truy vấn thông tin sổ bảo hiểm xã hội thành công từ ứng dụng VNeID...