Tạo lập không gian kinh tế vùng Đông Nam Bộ

Hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án lớn, tạo bước đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp tìm hiểu sản phẩm OCOP tại chương trình hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ vừa diễn ra tại tỉnh Bình Phước.
Doanh nghiệp tìm hiểu sản phẩm OCOP tại chương trình hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ vừa diễn ra tại tỉnh Bình Phước.

Đầu quý IV/2022, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thật sự tiếp thêm sức mạnh cho vùng tiếp tục phát triển năng động, sáng tạo, đóng góp lớn hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; có sức hút và sự lan tỏa to lớn đối với vùng Đông Nam Bộ. Với vai trò đầu tàu, Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, triển khai liên kết về cung-cầu hàng hóa, phát triển giao thông, du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát dịch bệnh, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Thành phố tích cực giải quyết việc làm cho người lao động ở các địa phương trong vùng, giảm áp lực di dân trong độ tuổi lao động đến thành phố qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư, góp phần hình thành nhiều khu công nghiệp tại các tỉnh trong vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Trần Tuệ Hiền cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác phát triển kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, số vốn đăng ký 19.739 tỷ đồng; hai siêu thị Co.op Mart tại thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, 71 cửa hàng tiện ích, Bách Hóa Xanh trên 11 huyện, thị xã, thành phố của Bình Phước đã, đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Các hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông và an sinh xã hội ngày càng đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Qua đó, có thể khẳng định chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa tỉnh Bình Phước với Thành phố Hồ Chí Minh là rất hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Phước trong nhiều năm qua.

Nhằm góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương, trong những năm qua các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư kêu gọi doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, tỉnh Đồng Nai đã thúc đẩy tốt mối quan hệ với các tổ chức nước ngoài đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Jica, Amcham… thông qua các hội thảo, tọa đàm xúc tiến đầu tư.

Đến nay, đã có 129 dự án của các nhà đầu tư có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào Đồng Nai với mức vốn đăng ký đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2014 đến 2020, các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư 42 dự án vào Tây Ninh với tổng số vốn hơn 7.000 tỷ đồng.

Để kết nối với các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động hỗ trợ các tỉnh đầu tư, xây dựng các tuyến đường huyết mạch. Đến nay, mạng lưới giao thông kết nối vùng đang được mở rộng với các dự án cao tốc, các tuyến đường vành đai; trong đó, phải kể đến các tuyến đường: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh), cao tốc Bến Lức (Long An)-Long Thành (Đồng Nai), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành… Giao thông đã thông suốt nhưng kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường rộng lớn với hơn 9 triệu dân là Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang gặp khó.

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bình Dương) cho biết: Nhiều năm chào hàng siêu thị nhưng gặp không ít khó khăn, trong đó có hệ thống siêu thị chào hàng sáu lần nhưng không nhận được hồi âm. Ông mong lãnh đạo Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại, quản lý các siêu thị tạo "sân chơi" công bằng hơn cho những người làm nông sản, hợp tác xã có năng lực sản xuất nông sản chất lượng, giá cả cạnh tranh. Giải thích về việc sản phẩm của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ khó vào hệ thống siêu thị, các nhà phân phối cho rằng, đây là vấn đề "chưa bao giờ dễ" bởi các quy chuẩn, quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên, khi vào được sẽ có cơ hội rất lớn để phát triển, đi vào hệ thống.

Đại diện lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Nhà nước, nhà phân phối và nhà sản xuất đều có trách nhiệm chung tay xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm của nhà phân phối rất quan trọng, bởi chỉ họ mới biết người tiêu dùng cần gì và hướng dẫn lại nhà sản xuất. Phía Nhà nước phải có sự đầu tư về các vấn đề đào tạo, rèn luyện, huấn luyện những hộ nông dân từng bước đi lên. Tất cả các tỉnh xây dựng "không gian", các kệ trưng bày sản phẩm địa phương, góp phần đưa sản phẩm địa phương về Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2023-2025 sẽ tập trung giải quyết những hạn chế và các giải pháp tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Trong đó, cần liên kết để tạo lập không gian kinh tế chung cho phát triển toàn vùng, nhằm phát huy tốt nhất lợi thế so sánh, nhất là hợp tác phát triển kết nối kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; cung cấp điện, nước, hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế xanh và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch.