Tạo đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô

NDO - Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai Chương trình số 06-CTr/TU.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai Chương trình số 06-CTr/TU.

Ngày 28/3, tại Bảo tàng Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 06-CTr/TU) đã tổ chức tổng kết chương trình sau hơn 4 năm triển khai.

Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” là một những chương trình công tác lớn của Thành ủy, tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính: Phát triển văn hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Sau hơn 4 năm triển khai, 18/18 chỉ tiêu của Chương trình hoàn thành kế hoạch hằng năm, trong đó có 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tạo đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô ảnh 2

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội nghị Tổng kết.

Trong lĩnh vực phát triển văn hóa, Chương trình số 06-CTr/TU được các cấp, các ngành triển khai gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Những nội dung này được cụ thể hóa qua thực hiện các tiêu chí, các danh hiệu như: Xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng với các mô hình: “Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch”, “Tổ dân phố, thôn không ma túy”; Xây dựng môi trường văn hóa học đường: “Nói không với bạo lực học đường”; “Học sinh Thủ đô ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông”; “Em yêu Hà Nội”, “Nhà giáo Hà Nội thanh lịch, văn minh”...

Đối với lĩnh vực du lịch, giai đoạn triển khai Chương trình trùng với 2 năm liên tiếp cả nước phải chống dịch Covid-19, khiến du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song đến nay, du lịch Thủ đô đã cơ bản phục hồi. Ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng những sản phẩm du lịch đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho khách, nhất là các hoạt động du lịch đêm.

Trong lĩnh vực thể thao, Hà Nội ban hành kế hoạch đào tạo huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao, trọng điểm các môn Olympic và ASIAD. Thành phố hoàn thành mục tiêu đề ra với tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5%, tỷ lệ số hộ gia đình tham gia đạt 32,5% trở lên.

Đối với đào tạo nhân lực, thành phố đã triển khai xây dựng nhiều mô hình mới, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; xây dựng trường tiên tiến, hiện đại nhiều cấp học; phát triển hệ thống trường chất lượng cao, trường học thông minh, phát triển hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội… Đến năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,81%, xếp thứ 11 toàn quốc (tăng 13 bậc so năm 2021).

Đối với xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, hai Quy tắc ứng xử đã dần dần thẩm thấu vào đời sống, góp phần xây dựng nét văn hóa ứng xử mới. Thành phố đẩy mạnh giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh gắn với giáo dục giá trị sống cho học sinh trong các trường phổ thông.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU Nguyễn Văn Phong nhận định, Chương trình triển khai trong một giai đoạn khó khăn, khi Hà Nội cùng cả nước chống dịch Covid-19. Song Chương trình luôn được thành phố quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Chương trình số 06-CTr/TU tạo được sự chuyển biến về nhận thức một cách toàn diện, từ thành phố đến cơ sở, khẳng định được uy tín, thương hiệu, vị thế của Thủ đô, từ đó, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Chương trình đã khơi dậy sự tự hào hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa của Thăng Long-Hà Nội; các cấp, các ngành nhận thức rõ hơn vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống và gắn kết với phát triển du lịch.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, các địa phương, đơn vị cần nhanh chóng thích ứng với những đổi mới của Thủ đô và đất nước; đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực.

Đồng chí cũng đề nghị, Hà Nội cần thúc đẩy hơn nữa công tác hội nhập quốc tế, học hỏi kinh nghiệm bạn bè quốc tế, đưa văn hóa, con người Hà Nội thật sự là nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô theo đúng định hướng Thủ đô văn minh, hiện đại, kết nối toàn cầu.