Tạo động lực cho Đông Nam Bộ tăng trưởng

Trong bối cảnh mới, để phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi quan trọng phải lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng những tiến bộ khoa học-công nghệ làm cơ sở tạo dựng, thúc đẩy sự phát triển của từng địa phương và toàn vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò nòng cốt, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, triển khai, ứng dụng hiệu quả khoa học-công nghệ để tạo sức lan tỏa cho toàn vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong suốt hơn 30 năm đổi mới, Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam luôn khẳng định là vùng kinh tế trọng điểm tiên phong đi đầu trong phát triển và tăng trưởng kinh tế của cả nước. Trong quá trình phát triển, hoạt động khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Bộ nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung luôn có sự chuyển biến tích cực, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học-công nghệ có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực như: y tế, chế biến, cơ khí chế tạo, năng lượng, quản lý đô thị thông minh, điện tử-tự động hóa, công nghệ nano, phát triển các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Hầu hết các địa phương trong vùng đều thành lập trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Đông Nam Bộ triển khai mạnh chiến lược số hóa hoạt động kinh tế-xã hội, triển khai nhanh ứng dụng các loại hình công nghệ 4.0 trong quản lý hành chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các địa phương trong vùng đều có chiến lược chuyển đổi số với các chương trình hành động cụ thể.

Chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, tính đến nay có gần 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, khoảng 15 không gian làm việc chung, hơn 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo, nhất là có khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã và đang thực hiện Đề án "Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố giai đoạn 2021-2025" và là thành phố đi đầu trong cả nước có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả.

Trong khi đó, tỉnh Bình Dương xây dựng vùng đổi mới sáng tạo có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài: Singapore, Hà Lan. Từ kết quả hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và triển khai thành phố thông minh, Bình Dương thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong khoa học-công nghệ, các viện, trường đại học trong nước và ngoài nước cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển khai nhanh ứng dụng khoa học-công nghệ. Trong đó các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước cũng có các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sôi động, ngày càng đi vào thực chất.

Mới đây, theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index 2023 - GII 2023), Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng hai bậc so với năm 2022. Như vậy, từ năm 2016 đến nay, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 vào năm 2016 lên vị trí 46 năm 2023.

Việt Nam cũng được xem là một trong những nước ở Đông Nam Á có hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tốt, là nước thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập niên qua về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu. Thành tựu về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của các địa phương vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh mang tính dẫn đầu.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận, vùng Đông Nam Bộ, kể cả Thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế; khoa học-công nghệ chưa trở thành nền tảng, động lực then chốt cho phát triển kinh tế-xã hội. Để phát triển bền vững với tốc độ cao thì cần phải thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ.

Các địa phương trong vùng cần tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế chung thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; ban hành các cơ chế hỗ trợ giúp tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và kết nối cung cầu giữa bên mua và bên bán các sản phẩm khoa học-công nghệ đã được thương mại hóa. Đồng thời, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ cần nâng cấp các vườn ươm công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… để hỗ trợ tạo ra các "Kỳ lân" về công nghệ trong vùng.