Tạo động lực cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ

TP Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 200 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp tiên phong, dẫn đầu trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm tại Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội.
Hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm tại Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội.

Phấn đấu có 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Trước yêu cầu phải có sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường, thay thế cho các loại túi ni-lông khó phân hủy, Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung đã nghiên cứu và phát triển loại túi được sản xuất từ nhựa PE có trộn thêm chất phụ gia phân hủy sinh học. Nhờ công thức này, sản phẩm có thể bắt đầu phân hủy ngay sau khi sản xuất và tăng tốc khi tiếp xúc với nhiệt và ánh sáng. Thời gian phân hủy nhanh, dễ sản xuất, giá thành hợp lý, cho nên hiện nay, sản phẩm bao bì tự hủy sinh học của đơn vị đã được nhiều hệ thống siêu thị lớn đặt hàng. Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội…, doanh nghiệp đã mạnh dạn nghiên cứu, đưa vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật liệu mới, có giá thành cạnh tranh so với sản phẩm nhập từ nước ngoài, như sản phẩm bao bì vừa có tính năng tự hủy, vừa có tính chất bao gói khí quyển biến đổi (MAP) giúp bảo quản các loại rau, củ, quả tươi lâu hơn...

Một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Công nghệ phát triển nông nghiệp xanh, Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội… cũng được hỗ trợ kinh phí, tư vấn công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm hoặc đổi mới, phát triển công nghệ, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Ðại diện Công ty CP Dược phẩm CPC1 Hà Nội cho biết, việc đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại như các dây chuyền sản xuất ống uống, vỏ nang cứng, viên nang mềm… đã góp phần sản xuất ra những sản phẩm thuốc chất lượng cao để phục vụ khách hàng.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Nguyễn Hồng Sơn, thành phố luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ðầu năm 2020, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn đến năm 2025, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có hoạt động nghiên cứu và phát triển thuộc mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Kế hoạch này đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ hỗ trợ để hình thành và phát triển được 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Ðồng bộ cơ chế hỗ trợ

Ðến nay, Hà Nội đã có 93 doanh nghiệp trong tổng số 538 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước, đứng thứ hai sau TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, y tế, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường...

Tuy đã có sự tăng trưởng đáng kể, nhưng các doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nhất là trong công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Trong số 93 doanh nghiệp đã được chứng nhận, chưa có doanh nghiệp khoa học và công nghệ nào hình thành được cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp; chưa có doanh nghiệp nào có sản phẩm hình thành từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố. Ðáng lưu ý, chỉ có số ít doanh nghiệp có doanh thu hơn 100 tỷ đồng.

Theo các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khó khăn lớn nhất của cộng đồng này chính là vốn, vì hoạt động nghiên cứu, ứng dụng đòi hỏi thời gian, chi phí lớn. Trong khi đó, việc thế chấp đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ tại hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế. Cũng chưa có nhiều nhà đầu tư lớn mặn mà, tâm huyết với những đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Các sản phẩm giao dịch trên thị trường khoa học và công nghệ chưa có nhiều giao dịch có hàm lượng công nghệ cao như mua bán công nghệ, bản quyền…

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thành phố đã xác định một trong những khâu đột phá trong thời gian tới là dựa trên nền tảng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, Sở sẽ tiếp tục triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ như thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND, "Ðề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025".

Tuy nhiên, để tạo động lực cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển, thực hiện được mục tiêu 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2025, rất cần sự hỗ trợ đồng bộ, nhất là với các vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp này đang gặp khó khăn. Trong đó, cần ưu tiên, quan tâm bố trí về quỹ đất, tiền thuê đất, hỗ trợ vốn vay cũng như các chính sách ưu đãi về thuế khác. Ðồng thời, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, công nghệ mới.

NGUYÊN TRANG