Tạo điều kiện cho người dân học tập mọi lúc, mọi nơi

Với chủ đề "Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số", Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức, được kỳ vọng tạo lan tỏa về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào học tập thường xuyên, học tập suốt đời và hình thành mạng học tập mở để tạo điều kiện cho người dân học tập mọi lúc, mọi nơi.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay hướng đến mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức về năng lực tự học trong kỷ nguyên số. Tuần lễ nhằm tăng cường trách nhiệm và huy động sự quan tâm, tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc tận dụng các nền tảng công nghệ, xây dựng, cung ứng các kênh và công cụ học tập suốt đời đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Đặc biệt, yêu cầu xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số góp phần triển khai thành công phong trào thi đua "Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc tự học trong kỷ nguyên số mang lại nhiều giá trị, cơ hội để thay đổi, để tiếp cận tri thức của nhân loại, mở ra cho mọi người cơ hội học tập thường xuyên, cơ hội học tập suốt đời mọi lúc, mọi nơi, mở rộng quan điểm sống, mở rộng không gian, thời gian, phương pháp và hình thức học tập.

Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển theo hướng tiếp cận với nhiều mô hình tiên tiến hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều tiền đề về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, truyền thông để xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, mỗi người dân trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

Xã hội hiện đại yêu cầu con người phải không ngừng học tập, học để đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, để nâng cao chất lượng công việc, tự tin bản thân, để tiến bộ và phát triển. Nếu không học tập suốt đời sẽ bị lạc hậu, không còn đáp ứng được với xã hội số ngày càng tiến bộ, hiện đại và luôn đổi mới. Ý thức tự học trong kỷ nguyên số làm cho "tài nguyên con người" được tái tạo, dồi dào và phát triển.

Trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay, các sở, ban, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo triển khai tuần lễ với hình thức, nội dung phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, huy động tối đa các nguồn lực xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số.

Trong đó, tăng cường cung cấp các nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích, các chương trình học tập trực tuyến; tích cực phổ biến, giới thiệu các tài nguyên này trên cổng thông tin điện tử của đơn vị; khuyến khích giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và học viên khai thác sử dụng và phổ biến các phương pháp, kỹ năng, phương tiện học tập…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho rằng: Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời là hoạt động diễn ra hằng năm trong quá trình triển khai Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn thành phố. Qua sự kiện này, rất nhiều hoạt động về phong trào học tập, rèn luyện được đẩy mạnh; ý thức tự học, tự rèn luyện của người dân ngày càng được nâng cao; những tấm gương điển hình ngày càng nhiều và được nhân rộng trên địa bàn thành phố. Tuần lễ năm nay gửi đến toàn thể chúng ta thông điệp: Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào học tập thường xuyên, học tập suốt đời và hình thành mạng học tập mở của người Việt Nam, tiến tới phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho người dân. Hiện, thành phố đang tổ chức tốt và nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ số từ hệ thống các trường học chính quy, đến hệ thống giáo dục thường xuyên.

Đồng chí Dương Anh Đức đề nghị các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp cho mọi người được học tập đáp ứng yêu cầu công việc, đáp ứng yêu cầu hội nhập để phát triển.

Theo kế hoạch, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai học tập phải tạo chuyển biến cơ bản việc xây dựng xã hội học tập trong năm 2023, bảo đảm mục tiêu đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện được mục tiêu trên, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong nền tảng số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác.

Đồng thời, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời.

Cụ thể, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa. Tổ chức các chương trình giáo dục trên kênh phát thanh, truyền hình, các trang mạng báo điện tử, các ứng dụng truyền hình của các đài phát thanh, truyền hình; đăng tải trên nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội có nhiều người dùng tại Việt Nam...