Vì vậy, các địa phương đang chủ động tháo gỡ vướng mắc, chú trọng công tác dạy nghề, đa dạng hóa thu hút đầu tư, tạo cơ hội, việc làm mới cho người dân trên địa bàn.
Thiếu đơn đặt hàng
Địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 190 doanh nghiệp may mặc, tạo việc làm cho 75.000 lao động và 34 doanh nghiệp giày da, thu hút 130.000 lao động. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động tiêu cực, nhu cầu tiêu dùng giảm, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào, vận tải tăng, những tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp may mặc, sản xuất giày ở Thanh Hóa bị giảm đơn hàng so với đầu năm. Một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động…
Qua thống kê, có khoảng 25 doanh nghiệp giảm sử dụng hơn 5.500 lao động, trong đó tỷ lệ lao động thuộc ngành dệt may-da giày chiếm 99,33%, tỷ lệ lao động thuộc ngành sản xuất sản phẩm gỗ, tre, hóa chất, nhựa chiếm 0,67%. Một số doanh nghiệp giảm sử dụng từ 100 lao động trở lên như: Công ty cổ phần quốc tế ABC-CN Thanh Hóa 120 lao động, Công ty TNHH thương mại Ngọc Ninh 220 lao động, Công ty cổ phần dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam 306 lao động, Công ty TNHH Fruit of the loom Việt Nam giảm 753 lao động...
Dự báo, các doanh nghiệp dệt may, giày da sẽ tiếp tục gặp khó khăn do biến động về lãi suất, tỷ giá, thiếu đơn hàng, cho nên tình trạng cắt giảm việc làm, cắt giảm lao động còn kéo dài ít nhất đến hết quý I/2023.
Đại diện Công ty giày Rollsport Việt Nam Nguyễn Văn Tý cho hay: Đầu năm có tới 40% lao động trong doanh nghiệp phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Thiếu đơn đặt hàng nên trong tháng cuối năm 2022 và tháng 1/2023 người lao động làm việc ở nhà máy giày ở huyện Thọ Xuân đã phải nghỉ, chờ việc. Hai nhà máy giày ở Khu công nghiệp Hoằng Long tại thành phố Thanh Hóa duy trì sản xuất hết tháng 2/2023.
Dự báo, các doanh nghiệp dệt may, giày da sẽ tiếp tục gặp khó khăn do biến động về lãi suất, tỷ giá, thiếu đơn hàng, cho nên tình trạng cắt giảm việc làm, cắt giảm lao động còn kéo dài ít nhất đến hết quý I/2023.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tổ chức công đoàn đã đồng hành cùng chủ doanh nghiệp năng động tìm kiếm việc, tiếp tục quan tâm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.
Tại Nghệ An, qua kết quả khảo sát việc làm, đời sống, thu nhập cán bộ, công nhân, viên chức, lao động dịp Tết Nguyên đán 2023 của Liên đoàn Lao động tỉnh cho thấy, hiện các doanh nghiệp vẫn cơ bản hoạt động ổn định. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số bộ phận người lao động.
Qua khảo sát, 31 doanh nghiệp (chủ yếu ngành may mặc và giày da xuất khẩu) bị ảnh hưởng do cắt, giảm đơn hàng, liên quan việc làm đến hơn 26.000 lao động. Trong đó, hơn 20.000 lao động bị giảm giờ làm; gần 2.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và dự kiến bị chấm dứt hợp đồng; hơn 100 người tạm hoãn hợp đồng lao động… Ngoài ra, một số lao động bị mất việc làm từ các tỉnh phía nam trở về địa phương.
Số liệu về xuất khẩu từ Sở Công thương Hà Tĩnh cho thấy, lĩnh vực dệt may của tỉnh 10 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong thời gian này tăng hơn 137% so với cùng kỳ năm 2021. Dệt may là ngành hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, nhưng quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu đã giảm gần 20% so với tháng trước đó.
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh. |
Theo lý giải của đại diện các doanh nghiệp dệt may tại Hà Tĩnh, thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc từ các nước này giảm cho nên lượng hàng tồn kho nhiều, đối tác không có nhu cầu đặt hàng. Các doanh nghiệp đành sản xuất cầm chừng và tìm kiếm thị trường mới.
Nỗ lực vượt khó
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An Trần Hữu Thượng, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã có nhiều phương án để tìm kiếm việc làm cho công nhân bị mất việc. Tuy nhiên, tâm lý chung của người lao động, trước Tết tìm việc làm tạm bợ, ăn Tết xong mới tính phương án tìm việc tiếp. Đa số lao động mất việc làm đều là công nhân may mặc và lao động phổ thông.
Điều đáng mừng, nhiều doanh nghiệp lớn tại các khu công nghiệp VSIP, WHA… đang tuyển một lượng lớn lao động vào làm việc. Tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, nhu cầu tuyển lao động trong ba năm tới lên đến 47.000 người; riêng năm 2023 cần tuyển dụng thêm hơn 15.000 lao động. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông vào làm việc cho ngành dệt may, da giày và điện tử là chủ yếu… Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, tại phiên giao dịch tìm việc làm cho người lao động ở Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế ABC, đã có 12 doanh nghiệp đề xuất 3.000 vị trí việc làm cho những lao động mất việc có nhu cầu tại tỉnh Nghệ An.
Các vị trí tuyển dụng ưu tiên lao động đi làm ngay trước và sau Tết, mức lương dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng. Người lao động có thể cập nhật thông tin từ trung tâm để tiếp cận với công việc phù hợp tay nghề. Tuy nhiên, để có mức thu nhập cao hơn, người lao động phải có tay nghề cao và kinh nghiệm làm việc. Lãnh đạo một công ty may ở thành phố Vinh cho biết: “Tới đây, nếu đơn hàng châu Âu nhộn nhịp trở lại, chúng tôi sẽ tuyển thêm 150 công nhân, nhưng phải là những lao động đã có nghề, hiệu suất làm việc cao, có kinh nghiệm”.
Nhằm ổn định quan hệ lao động, cùng với việc hướng dẫn giải quyết kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các cơ quan chức năng cùng công đoàn các cấp ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh luôn đề cao vai trò hỗ trợ các bên đối thoại, giải quyết các vấn đề quan hệ lao động phát sinh, triển khai biện pháp thích hợp để phòng ngừa, giảm phát sinh tranh chấp lao động và bỏ việc làm.
Trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt hỗ trợ 1.374 tỷ đồng cho hơn 15.200 lượt người sử dụng lao động và hơn 748.000 người lao động ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó hơn 9.000 lượt người sử dụng lao động và hơn 424.200 người lao động được hỗ trợ hơn 257 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Thanh Hóa chủ động xây dựng, thực hiện phương án đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch. Kết quả, 42.380 lao động hồi hương đã được tạo việc làm tại tỉnh, 2.405 lao động được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và người lao động đã được vay 94,379 tỷ đồng thông qua 1.217 dự án giải quyết việc làm.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa Hoàng Duy Xuyên cho biết, bên cạnh việc chủ động dự báo, thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh kết nối cung-cầu lao động (sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm…), đơn vị đã kết nối với các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp nhằm tìm kiếm việc làm mới ổn định, phù hợp với nhu cầu và năng lực của lao động địa phương.
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương, cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, các địa phương đang tập trung, triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là hỗ trợ việc làm bền vững, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm.
Các đơn vị liên quan nỗ lực tham mưu thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp được vay vốn tự tạo việc làm. Các địa phương xây dựng chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định.
Theo chia sẻ của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh Trần Việt Hà, về lâu dài, tỉnh sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, tạo thêm nhiều cực tăng trưởng mới, Hà Tĩnh đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư các lĩnh vực, dự án đã được định hướng tại Quy hoạch tỉnh, ưu tiên các dự án quy mô lớn, tạo động lực lan tỏa, đem lại giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, các dự án đầu tư hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng ven biển.
Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kịp thời rà soát, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể; triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư... Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ mà các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đang triển khai nhằm gia cố nền tảng cho phát triển toàn diện, bền vững ■