Tạo cơ chế để giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới

Giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Trong 10 năm đổi mới vừa qua, giáo dục đại học nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, tiếp cận các xu thế, tri thức mới và những mô hình giáo dục hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trong giờ học về điện tử viễn thông.
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trong giờ học về điện tử viễn thông.

Tuy nhiên, giáo dục đại học cũng gặp thách thức không nhỏ trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề.

THEO Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đến nay, giáo dục đại học có những thay đổi mạnh mẽ cả về chất lượng và hiệu quả trong đào tạo ở các trình độ.

Quy mô đào tạo đại học tăng trung bình 4,4% trong giai đoạn 2013-2022, góp phần tăng tỷ lệ dân số trong độ tuổi 18 đến 22 được tiếp thu giáo dục đại học. Chương trình đào tạo đại học đã được chú trọng, xây dựng theo hướng đa dạng, mềm dẻo giúp củng cố kiến thức, phát triển năng lực, phẩm chất cho sinh viên nhằm đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra theo quy định của Khung trình độ Quốc gia và chuẩn chương trình đào tạo.

Tính đến ngày 30/9/2023, cả nước có 186 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước, chín cơ sở giáo dục đại học được đánh giá công nhận chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài. Đối với chương trình đào tạo, tính đến 30/9/2023, cả nước có 992 chương trình đào tạo được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 436 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Các cơ sở giáo dục đại học đã từng bước điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo theo hướng phù hợp nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Một số ngành mới được ưu tiên mở để đáp ứng nhu cầu nhân lực, đem lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở trong nước cũng như việc dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN, như:

Công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sức khỏe, pháp luật và du lịch. Ngược lại, một số ngành có nguy cơ dư thừa như: kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng,…đã được giảm quy mô hoặc tạm dừng đào tạo. Nhiều cơ sở đào tạo đã tích cực đầu tư chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống phần mềm quản lý đào tạo, thiết bị giảng dạy đa phương tiện; xây dựng hệ thống học liệu phong phú, đa dạng.

Đáng chú ý, nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Số công bố khoa học quốc tế, công bố trong nước, sáng chế, tài sản trí tuệ khác tăng dần qua các năm. Nhiều kết quả, sản phẩm nghiên cứu có giá trị khoa học, quy trình công nghệ có tính ứng dụng, khả năng thương mại hóa cao; hợp tác giữa trường đại học và khu vực doanh nghiệp được tăng cường; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Cả nước có năm cơ sở giáo dục đại học có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS); chín cơ sở giáo dục đại học vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE). Về xếp hạng quốc tế theo nhóm ngành năm 2023 của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), có 11 ngành đào tạo tại sáu cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 51-630 tốt nhất thế giới. Trong đó, kết quả tập trung nhiều tại top 351-500 của ngành kỹ thuật có năm nhóm ngành được xếp hạng.

Giai đoạn vừa qua, đầu tư cho giáo dục đại học từ ngân sách nhà nước còn thấp và có xu hướng tiếp tục bị cắt giảm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đổi mới hoạt động đào tạo. Bên cạnh đó, quy mô đào tạo sau đại học còn rất thấp và không tăng trong nhiều năm, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục đại học hiệu quả, từ phân tích vấn đề đổi mới quản trị theo cơ chế tự chủ, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, cần rà soát các văn bản pháp luật, tạo sự đồng bộ, thống nhất về chủ trương cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Nhà nước nghiên cứu ban hành một nghị định riêng về tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học để tạo đột phá về “khoán 10 trong tri thức” theo hướng các cơ sở giáo dục đại học là đơn vị sự nghiệp đặc biệt, coi đây là văn bản pháp luật, cởi trói và giải phóng sức sáng tạo, phát huy nguồn lực tri thức to lớn để phát triển đất nước.

Đại diện Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech) cho rằng, cần đẩy mạnh mô hình đại học-doanh nghiệp như một hình thức đẩy mạnh vận động và đa dạng hóa các nguồn lực tham gia xã hội hóa giáo dục. Bởi vì sự tham gia của các chủ doanh nghiệp, những nhà quản trị, các chuyên gia trong hoạt động đào tạo giáo dục đại học góp phần định hướng đúng đắn để xây dựng chương trình học phù hợp, tạo ra một lượng lớn nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, vững tay nghề theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, quá trình triển khai thực hiện đổi mới, giáo dục đại học có bước chuyển biến mạnh mẽ nhưng vẫn cần những giải pháp để giáo dục đại học có những bứt phá mới. Vì vậy, cần thiết có những kết luận, nghị quyết mới để giáo dục đại học thật sự đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, gắn với phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước.