Tạo cơ chế đặc thù hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế

Để hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần những chính sách cụ thể, vượt trội giúp hoàn thiện và phát triển ba trụ cột: thị trường tiền tệ-ngân hàng thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh; qua đó, khắc phục những rào cản đang tồn tại và cạnh tranh được với các trung tâm tài chính hiện hữu.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ nhiều lợi thế để hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế. Trong ảnh: Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.
Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ nhiều lợi thế để hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế. Trong ảnh: Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.

Lợi thế và thách thức

Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có một số điểm nổi trội để phát triển thành Trung tâm Tài chính quốc tế.

Nếu so sánh với Singapore, một trong hai trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điểm nổi trội không hề kém cạnh. Đơn cử, chính sách thuế của Việt Nam không quá khác biệt Singapore, thuế thu nhập doanh nghiệp ở Singapore ở mức 17%, còn Việt Nam là 20%. Trong khi đó, chi phí thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ khoảng 5 triệu đồng, còn ở Singapore khoảng hơn 100 triệu đồng.

Theo tính toán, chi phí duy trì hoạt động trong một năm của một doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ khoảng 2.000-3.000 USD, còn Singapore phải tốn khoảng 10.000-20.000 USD do buộc phải thuê giám đốc người bản địa.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có lợi thế cạnh tranh về chi phí, như phí chuyển tiền ở các ngân hàng đang tiệm cận về 0, còn doanh nghiệp ở Singapore phải chịu phí dịch vụ này. Đồng thời, hệ thống tài chính của nước ta cũng khá năng động, người dân có thể chuyển tiền 24/7 nhanh chóng. Đây là điều rất ít quốc gia làm được.

“Qua những dẫn chứng trên cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở thu hút doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp tài chính. Đồng thời, tính năng động của hệ thống tài chính cho phép chúng ta có thể bứt phá trong thời gian tới”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân bày tỏ lạc quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều thách thức cạnh tranh với các trung tâm tài chính quốc tế có lịch sử phát triển lâu đời.

Tiến sĩ Phùng Hương Giang, giảng viên, nghiên cứu viên Trường Kinh doanh ISC Paris cho rằng, có sáu yếu tố cơ bản tạo nên thứ hạng của trung tâm tài chính quốc tế gồm: sức mạnh kinh tế của nước sở tại; quản trị quốc gia và môi trường kinh doanh, nhất là chi phí hiệu quả và môi trường pháp lý; sự phát triển tài chính toàn diện, đa dạng; lao động có tay nghề cao, được đào tạo; việc phát triển cơ sở hạ tầng; uy tín quốc gia.

Trong số này, Thành phố Hồ Chí Minh còn một số yếu tố chưa có thứ hạng cao, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Touchstone Partner, Trần Nhật Khanh cho biết: Các doanh nghiệp khởi nghiệp đang đối mặt rủi ro thị trường, hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là rủi ro về pháp lý, nhất là liên quan đến các mảng giao thoa như: công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, công nghệ nông nghiệp…

Doanh nghiệp phải tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc để tham vấn luật sư, chuyên gia về việc công ty hoạt động đúng luật hay không; việc xin giấy phép đầu tư còn nhiêu khê, tốn kém chi phí…

Hoàn thiện ba trụ cột bằng cơ chế

Nhiều ý kiến cho rằng, là mô hình “sinh sau, đẻ muộn” so với các trung tâm tài chính khác trên thế giới, Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh phải hình thành trên các trụ cột: thị trường tiền tệ-ngân hàng, thị trường vốn, do đó thành phố cần những chính sách đặc thù. Về vấn đề này, Tiến sĩ Phùng Hương Giang chia sẻ: Việt Nam cần tìm hiểu nhu cầu thế giới về một thị trường ngách.

Một trong những thị trường ngách có thể tính đến là cung cấp sản phẩm tài chính số và nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái cơ sở hạ tầng dịch vụ bao quanh ngách đó; hoặc là các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Đây là những ngách còn mới mà Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh có thể có lợi thế hơn là cạnh tranh trực diện với các trung tâm tài chính quốc tế lâu đời.

“Trong khi đó, muốn thu hút “sếu đầu đàn” là các nhà đầu tư đi tiên phong trong việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, Việt Nam nên nghiên cứu tăng cường khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư mạo hiểm tư nhân. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể sử dụng vốn đầu tư mạo hiểm bổ sung cho các công ty khởi nghiệp (startup) có vai trò quan trọng tầm quốc gia nhưng không thu hút được đầu tư từ khối tư nhân”-Tiến sĩ Phùng Hương Giang đề xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân cho rằng: Cần tự do chu chuyển vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, dòng vốn không được chu chuyển tự do đang là rào cản lớn nhất.

Vì vậy, nếu cần chính sách ưu tiên thì cần nhất là dòng vốn phải được chu chuyển tự do. Có sự khơi thông dòng vốn thì thị trường tài chính mới phát triển được. Bên cạnh đó, cần có cơ chế liên thông với các trung tâm tài chính lớn trên thế giới; đồng thời, cần có khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) những mô hình công nghệ tài chính mới như tiền ảo, công nghệ chuỗi…

Hiện nay, kênh đầu tư chứng khoán của Việt Nam vẫn chưa phát huy hiệu quả do có đến 90% là nhà đầu tư cá nhân trong nước, ít nhà đầu tư tổ chức. Theo Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh, để thu hút đầu tư chứng khoán, ngoài việc gia tăng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức, các sàn chứng khoán Việt Nam cần bảo đảm chất lượng hàng hóa niêm yết, khống chế cổ phiếu rác, nâng cao mức chất lượng đầu vào hơn hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Minh còn đề xuất, cần có chính sách cho phép nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản chứng khoán dễ dàng hơn, cho phép tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cần sớm có quy định cho phép doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) niêm yết cổ phiếu. Cơ chế này vừa góp phần tạo thêm dòng vốn cho doanh nghiệp FDI, vừa góp phần tăng thêm hàng hóa có chất lượng tốt cho thị trường chứng khoán.