Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Tạo chuyển biến căn cơ, tầm nhìn lâu dài trong quản lý, phân phối nguồn lực đất đai

NDO -

Chiều nay, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ, ngành về thực hiện các bước triển khai sửa đổi Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Đây là cơ hội rất lớn để sửa bộ luật rất quan trọng, công tác chuẩn bị phải rất cầu thị và thật kỹ lưỡng, để sửa đổi luật tạo chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đặc biệt quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: DUY LINH
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: DUY LINH

Cuộc làm việc thể hiện việc thực hiện lời hứa quyết tâm của Quốc hội sau kỳ họp đầu tiên về siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, nâng cao chất lượng xây dựng luật với tinh thần chuẩn bị thật kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, chủ động đồng hành, phối hợp cùng Chính phủ.

Đây cũng là nội dung triển khai thực hiện Kế hoạch số 24-KH/BCĐ ngày 20-4-2021 của Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Trên cơ sở yêu cầu của Ban Chỉ đạo, căn cứ nội dung tổ chức thực hiện tại Nghị quyết số 19-NQ/TW giao Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003; đồng thời rà soát, hoàn thiện các đạo luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết và giám sát việc thực hiện trong phạm vi cả nước.

Tại buổi làm việc, các đồng chí bộ trưởng, đại diện lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Ban Kinh tế Trung ương; Kiểm toán Nhà nước và lãnh đạo các ủy ban liên quan của Quốc hội đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến về những nội dung quan trọng.

Sau khi tổng hợp các ý kiến phát biểu, phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đã được ban hành khá đồng bộ, tương đối đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời, góp phần phát huy vai trò nguồn lực đất đai làm động lực phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Tuy nhiên, qua rà soát bước đầu cho thấy những hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Đánh giá pháp luật về lĩnh vực đất đai là một luật rất rộng, rất khó, vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, ban ngành liên quan trong quy trình sửa đổi cần phải tập trung, sáng tạo, bám sát quan điểm chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Văn kiện Đại hội XIII, nghị quyết của Trung ương trong đó có  nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Nhấn mạnh đây là một cơ hội rất lớn để sửa đổi bổ sung pháp luật liên quan nội dung rất quan trọng tác động to lớn đến người dân và nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan cần tập trung nghiên cứu, lắng nghe và chắt lọc các ý kiến góp ý của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học thật kỹ lưỡng, chú trọng đề ra các giải pháp, công tác tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Nhấn mạnh “đây là cơ hội rất lớn để sửa đổi luật, nhất là bộ luật quan trọng như Luật Đất đai, nên phải tạo ra những chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đặc biệt quan trọng này”, Chủ tịch Quốc hội đưa ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu chuyện phạm vi tác động của dự án luật là rất lớn, nên “cần chú trọng việc đánh giá tác động một cách công khai, khách quan, những vấn đề mới mà chưa có quá trình nghiên cứu thì cần hết sức thận trọng”.

Tới đây, các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra xem xét tổ chức các hội nghị, tọa đàm chuyên sâu, lắng nghe tiếp thu với tinh thần cầu thị cao nhất. “Việc đại sự nên lắng nghe càng nhiều càng tốt, nhiều người nói, từ nhiều phía, khiêm tốn, cầu thị, gạn đục khơi trong để đây thật là cơ hội tạo ra sự thay đổi căn bản trong thực hiện”- Chủ tịch Quốc hội lại nhắc lại yêu cầu này.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý việc sửa đổi luật để giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại nhưng phải bảo đảm hệ thống pháp luật có tính dự báo có tầm nhìn dài hạn, hạn chế sửa đổi bổ sung những biện pháp đặc thù chỉ mang tính chất tình thế. Đồng thời, việc sửa đổi phải bảo đảm tính khả thi, bảo đảm công bằng an ninh, bảo vệ môi trường, để làm sao khi sửa đổi một luật xong sẽ tạo ra chuyển biến căn bản, căn cơ trong việc quản lý phân phối đất đai nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia.

Để bảo đảm chất lượng của dự án luật, thời gian tới đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi, nghiên cứu các quan điểm, định hướng mới của Đảng để kịp thời thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện các quy định của pháp luật về đất đai.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 17/2021/QH15 về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo đó dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022), cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Với mục tiêu đổi mới toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất đai theo hướng thống nhất, hiện đại đồng bộ với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa nguồn lực đất đai là nguồn lực quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế từ thực tiễn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 17 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, theo đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần hai tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực triển khai các nhiệm vụ theo phân công của Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Kết quả tổng kết sẽ góp phần đánh giá toàn diện việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai trong thời gian vừa qua, từ đó xây dựng các quan điểm, chủ trương của Đảng trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai trong bối cảnh mới, làm định hướng cho việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai trong thời gian tới. Thực hiện nhiệm vụ được Đảng đoàn Quốc hội giao, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì xây dựng báo cáo và gửi tới Ban Chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị.

Theo số liệu báo cáo, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ ban hành 25 nghị định; các bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch. Nhiều nghị định, thông tư được ban hành kịp thời, có hiệu lực ngay khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, đã cơ bản khắc phục được tình trạng luật chờ văn bản hướng dẫn như trước đây. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành gần 2.000 văn bản quy định cụ thể 41 nội dung theo phân cấp.