Xã luận

Tạo bứt phá trong quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van der Bellen, Tổng thống Cộng hòa Italia Sergio Mattarella và Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân thăm chính thức Cộng hòa Áo, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italia và thăm Tòa thánh Vatican.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Đây là chuyến thăm Áo đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam trong 15 năm qua và là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên giữa Việt Nam với Italia và Vatican trong bảy năm qua. Chuyến công tác cũng là điểm nhấn quan trọng nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italia.

Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, với sự vun đắp bền bỉ của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Áo ngày càng phát triển tốt đẹp, gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là Áo - một trong những nước châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, với sự vun đắp bền bỉ của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Áo ngày càng phát triển tốt đẹp, gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Hai bên duy trì tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Sự tin cậy về mặt chính trị là động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Về kinh tế, Áo là một trong 10 đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Áo trong ASEAN. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt 2,79 tỷ USD. Đầu tư của Áo vào Việt Nam hiện đạt khoảng 148 triệu USD. Ngoài ra, quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ… cũng ghi nhận những kết quả khả quan.

Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 1/2013, Việt Nam và Italia tích cực đưa quan hệ hợp tác trên tất cả lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Trong khuôn khổ chuyến công tác châu Âu lần này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italia, đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 1/2013, hai nước tích cực đưa quan hệ hợp tác trên tất cả lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Trong các cuộc trao đổi cấp cao, Italia luôn khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á.

Nền kinh tế Việt Nam và Italia vừa có tính tương đồng, vừa có tính bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng và sản phẩm, mang lại các giá trị gia tăng to lớn khi hợp tác với nhau. Việt Nam là một trong 10 thị trường mới nổi trong ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Italia đến năm 2030. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong ASEAN. Doanh nghiệp hai nước luôn được tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Italia có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, chế biến gỗ, năng lượng tái tạo... Sự nỗ lực vun trồng, chăm sóc của các thế hệ lãnh đạo và người dân hai nước đã giúp “cây xanh” hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Italia cho ra nhiều “trái ngọt”. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 6,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021.

Nằm ở hai châu lục khác nhau nhưng sự xa cách về mặt địa lý không thể ngăn cản tình cảm thân thiết giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Italia. Sự gắn kết đó có được một phần nhờ các hoạt động trao đổi văn hóa diễn ra sôi động. Để kỷ niệm mốc son nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2023, Năm Việt Nam tại Italia và Năm Italia tại Việt Nam đã được tổ chức, với nhiều hoạt động đa dạng giúp người dân hai nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xích lại gần nhau hơn. Trước đó, giai đoạn 2003-2013, Chính phủ Italia phối hợp Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) hỗ trợ Việt Nam trùng tu khu di tích Mỹ Sơn với tổng kinh phí 1,5 triệu USD. Việt Nam cũng cấp phép thành lập Ngôi nhà Italia tại Hà Nội vào năm 2019 và Viện Văn hóa Italia tại Hà Nội vào năm 2022.

Quan hệ giữa Tòa thánh Vatican, Giáo hội Công giáo Việt Nam với chính quyền các cấp hiện nay diễn ra trên tinh thần hiểu biết, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.

Quan hệ giữa Việt Nam và Vatican cũng đang trên đà phát triển tốt đẹp. Từ năm 2011, Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh chính thức hoạt động tại Việt Nam. Hai bên duy trì hiệu quả tiếp xúc cấp cao và cơ chế Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican. Quan hệ giữa Tòa thánh Vatican, Giáo hội Công giáo Việt Nam với chính quyền các cấp hiện nay diễn ra trên tinh thần hiểu biết, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Cộng đồng người Việt ở Vatican chia thành hai nhóm: nhóm làm việc cho Tòa thánh và nhóm lưu trú. Có khoảng 40 linh mục, giáo sĩ Công giáo Việt Nam đang tu học tại Vatican.

Triển vọng tạo nên những thành công bứt phá trong phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu rất rộng mở. Chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng không chỉ là bước triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; mà còn là cơ hội quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương với Áo, Italia và Vatican.