Tăng trưởng kinh doanh khu vực Eurozone giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng

NDO -

Hoạt động kinh doanh của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua, do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và logistics bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn hai thập kỷ.

Một dây chuyền lắp ráp ô-tô trong nhà máy của Volkswagen ở Wolfsburg, Đức. (Ảnh: Pool/Reuters)
Một dây chuyền lắp ráp ô-tô trong nhà máy của Volkswagen ở Wolfsburg, Đức. (Ảnh: Pool/Reuters)

Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp nhanh, một thước đo về sức khỏe nền kinh tế khu vực đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng, chỉ đạt 54,2 trong tháng 10 so với mức 56,2 vào tháng 9, thấp hơn mức ước tính 54,3 công bố trước đó.

Trong khi đó, chỉ số PMI ngành dịch vụ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng, đạt 54,6 trong tháng 10, giảm so với mức 56,4 của tháng trước và thấp hơn nhiều so với ước tính sơ bộ là 54,7. Song chỉ số này vẫn trên 50, mốc ghi nhận tăng trưởng.

Hầu hết các hạn chế phòng dịch Covid-19 đã được dỡ bỏ trong khối, song tình trạng thiếu nguyên liệu thô trong lĩnh vực sản xuất đang gây ảnh hưởng đến tăng trưởng và khiến cầu suy yếu trong ngành dịch vụ.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, các chỉ số PMI cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế của khu vực đồng euro sẽ chậm lại rõ rệt trong quý IV, do tình trạng thiếu nguồn cung ngày càng tăng trên toàn khu vực, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất. Các chỉ số này cũng cho thấy áp lực giá cả đang gia tăng.

Hoạt động sản xuất của khu vực Eurozone đã diễn ra mạnh mẽ vào tháng trước, song vẫn bị hạn chế bởi những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Theo một cuộc khảo sát khác công bố ngày 2/11, những tắc nghẽn trên đã khiến chi phí nguyên vật liệu tăng cao và chỉ số giá đầu vào tổng hợp tăng từ 70,9 lên 73,2, mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu được tiến hành từ giữa năm 1998.

Những hạn chế về nguồn cung này cũng đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng chậm lại trong tháng thứ ba liên tiếp ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Bức tranh tương tự cũng được nhìn thấy ở Pháp, Tây Ban Nha và Italia.

Bên ngoài Eurozone, tại Anh, các doanh nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) lo ngại về mức tăng chi phí kỷ lục mà các doanh nghiệp phải đối mặt đang được chuyển sang cho người tiêu dùng.

Dự kiến, BoE sẽ sớm đưa ra điều chỉnh về chính sách giữa việc có nên nâng lãi suất cho vay từ mức thấp kỷ lục hay không, hoặc tiếp tục chờ để bảo đảm nền kinh tế đã sẵn sàng cho việc tăng lãi suất sau đại dịch.

Tại Mỹ, chỉ số đo lường hoạt động ngành dịch vụ cũng tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng trước, trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 giảm thúc đẩy cầu tăng, mặc dù các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về chuỗi cung ứng và giá cả tăng cao.