Tăng trưởng khu vực đồng Euro giảm tốc trong làn sóng Omicron

NDO -

Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) tiếp đà giảm trong tháng 1/2022, trong bối cảnh ngành dịch vụ chiếm phần lớn tỷ trọng nền kinh tế của khối này chứng kiến nhu cầu thấp hơn, do tác động của các lệnh hạn chế nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm của biến thể Omicron.

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19 tại nhà máy NG Biotech ở Guipry-Messac, Pháp, ngày 12/1/2022. (Ảnh: REUTERS)
Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19 tại nhà máy NG Biotech ở Guipry-Messac, Pháp, ngày 12/1/2022. (Ảnh: REUTERS)

Kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh) vừa công bố cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp cuối (PMI), vốn được coi là chỉ dấu cho “sức khỏe” kinh tế tổng thể của khối, đã giảm xuống 52,3 trong tháng 1, so với 53,3 trong tháng 12 năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, thậm chí còn thấp hơn ước tính trước đó là 52,4.

Nguyên nhân được cho là do một số chính phủ khu vực Eurozone đã siết các hạn chế phòng dịch, khuyến khích người dân ở nhà nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan, trong khi giá cả tăng mạnh, 1 phần do các vấn đề liên quan đến nguồn cung và lao động, dẫn đến nhu cầu giảm.

Ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại IHS Markit cho biết: "Nền kinh tế khu vực đồng Euro đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 1 sau khi chứng kiến tăng trưởng suy yếu trong quý cuối cùng của năm 2021. Sự giảm tốc này diễn ra cùng với thời điểm các biện pháp phòng dịch đã được thắt chặt ở mức cao nhất kể từ tháng 5 năm ngoái trên toàn khu vực, trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới liên quan đến Omicron".

Các biện pháp này đã có tác động trực tiếp đến ngành dịch vụ, khiến chỉ số PMI của ngành này giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua, xuống mức 51,1, giảm so với mức 53,1 của tháng 12/2021.

Nhu cầu giảm, trong khi chỉ số kinh doanh dịch vụ giảm xuống 51,3 từ mức 52,5, thấp nhất kể từ tháng 4/2021, và xuống gần mốc 50 điểm phân chia giữa tăng trưởng và suy giảm.

Giá cả đã tăng mạnh trong những tháng gần đây và tháng 1 cũng không ngoại lệ. Với chi phí đầu vào tăng, các công ty đã chuyển 1 phần gánh nặng đó sang cho khách hàng, khiến chỉ số giá đầu ra tổng hợp tăng lên mức 61,9 từ 60,6. Kể từ khi IHS Markit bắt đầu thu thập dữ liệu từ cuối năm 2002, chỉ số này chỉ mới tăng đúng 1 lần vào tháng 11 năm ngoái.

Ông Williamson cho biết, mối quan tâm chính hiện tại là áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng, với giá năng lượng tăng cao có khả năng gây thêm áp lực tăng giá trong những tháng tới.

Theo 1 khảo sát do hãng tin Reuters tiến hành vào tháng trước, lạm phát của khu vực đồng Euro dự kiến sẽ tăng nhanh hơn trong suốt năm 2022 so với dự kiến trước đó, và có khả năng gây áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

ECB cho đến nay vẫn chưa quyết định thắt chặt chính sách, đồng thời nêu quan điểm áp lực tăng giá sẽ giảm bớt trong năm nay.