Tăng trưởng GDP của Pháp ở mức 0% trong quý I/2022

NDO -

Theo số liệu do Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) công bố ngày 29/4, tăng trưởng GDP của Pháp chỉ ở mức 0% trong quý I. Hoạt động kinh tế đình trệ là do tiêu dùng hộ gia đình giảm mạnh bởi tác động từ lạm phát và căng thẳng ở Ukraine.

Dịch bệnh giảm mạnh, ngành du lịch và dịch vụ ở Pháp bắt đầu hồi phục nhanh.
Dịch bệnh giảm mạnh, ngành du lịch và dịch vụ ở Pháp bắt đầu hồi phục nhanh.

Kết quả này thấp hơn nhiều so dự báo là 0,3% của INSEE và 0,25% của Ngân hàng Trung ương Pháp. Như vậy, tăng trưởng kinh tế của Pháp đã suy giảm mạnh sau khi tăng 0,8% trong quý IV năm ngoái.

Trong năm 2021, kinh tế Pháp phục hồi mạnh mẽ sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đạt 7%.

Theo INSEE, tiêu dùng hộ gia đình, một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, đã giảm đáng kể trong tháng 3, ở mức 1,3%. Nguyên nhân là do tiêu thụ thực phẩm giảm 2,5%, tiếp đó là tiêu thụ năng lượng, giảm 1,6%. Tính chung cho cả quý I/2022, tiêu dùng hàng hóa của các hộ gia đình ở Pháp đã giảm 1,7%.

Từ đầu năm 2022, ảnh hưởng của biến thể Omicron và giá hàng hóa tăng vọt, nhất là giá năng lượng do tác động từ căng thẳng ở Ukraine, đã buộc các hộ gia đình ở Pháp phải hạn chế chi tiêu.

Lạm phát tại Pháp đã lên tới 4,5% vào tháng 3/2022 so cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ giữa những năm 1980 và tiếp tục tăng lên 4,8% trong tháng 4. 

Dịch bệnh có xu hướng giảm mạnh trong thời gian gần đây nên hoạt động của ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng phục hồi mạnh mẽ. Sản xuất hàng hóa tiếp tục đà phục hồi nhưng chậm hơn, ở mức 0,5% so 1% trong quý IV/2022. Theo INSEE, xuất nhập khẩu của Pháp đã đạt mức tăng 1,5% và 1,1% trong quý I năm nay.

Trong tháng 3/2022, lạm phát ở khu vực sử dụng đồng euro được ghi nhận ở mức 7,4%. Tại Pháp, dù được kiềm chế ở mức 4,5%, các nhà phân tích kinh tế cho rằng áp lực lạm phát vẫn sẽ ở mức cao trong những quý tới.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chưa quyết định tăng lãi suất vì có thể tác động tiêu cực tới giá năng lương. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế Rexecode ở Paris, rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế trong ngắn hạn là lạm phát. Giá tiêu dùng tăng sẽ tiêu tốn khoảng 30 tỷ euro của các hộ gia đình trong năm nay, tương đương 2% thu nhập và là mức cao nhất trong 40 năm qua.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa tái đắc cử vào thời điểm nước Pháp đối mặt nhiều thách thức cả về xã hội và kinh tế. Ông Emmanuel Macron sẽ phải giải quyết các 'bài toán' kinh tế lớn nhằm duy trì sức mua, tránh tình trạng tỷ lệ thất nghiệp cao tái diễn, đồng thời kiểm soát tài chính công.