Tăng tốc thi công đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng

Nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương tham gia xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công. Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, quyết tâm chung là hoàn thành tuyến cao tốc này đúng tiến độ do Chính phủ giao.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh An Giang khai thác nguồn cát sông Hậu phục vụ xây dựng cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.
Tỉnh An Giang khai thác nguồn cát sông Hậu phục vụ xây dựng cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.

Trên địa bàn tỉnh An Giang, tuyến đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đi qua các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và điểm cuối là thành phố Cầu Đốc, dài 57,2 km, chia thành 4 gói thầu xây lắp (số 42, 43, 44, 45).

Giám đốc Điều hành dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Huy Võ Đại Thạch thông tin, đơn vị phụ trách phân đoạn từ Km31+280 đến Km32+700 và từ Km36+663 đến Km40+800 của gói thầu số 44 có tổng chiều dài 5,56 km, trong đó có 4 cây cầu và 3 cống hộp khẩu độ lớn, đã thi công đạt 40,56% khối lượng, vượt tiến độ so với kế hoạch 5%.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước, trên bình diện chung, đến nay, việc thi công dự án thành phần 1 của cả 4 gói thầu đạt 19,89%, vượt khoảng 0,14% so với tiến độ được duyệt.

Tại Sóc Trăng, tổng chiều dài tuyến cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh gần 59 km. Theo kế hoạch, sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025; cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án trong năm 2027.

Dự án có tổng số 4 gói thầu xây lắp, đến nay, đã thực hiện 223,5/9.208,365 tỷ đồng, đạt 2,4% giá trị hợp đồng, chậm 8% so với kế hoạch. Sóc Trăng có 5 mỏ cát sông đã giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù, đến nay, đã tiến hành khai thác một mỏ, các mỏ còn lại, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đang tiếp tục đẩy nhanh các thủ tục để sớm đưa vào khai thác.

Thực tế cho thấy, các mỏ cát ở Sóc Trăng nếu khai thác ở độ sâu 16m như thiết kế trước đây sẽ không đủ khối lượng cát cung cấp cho dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh này. Các sở, ngành liên quan của tỉnh cùng nhà thầu, đơn vị tư vấn đã họp bàn để tháo gỡ, nghiên cứu sử dụng công nghệ phù hợp, tăng độ sâu khai thác nhằm bảo đảm nguồn cát phục vụ dự án; đồng thời nghiên cứu sử dụng cát biển để đáp ứng nhu cầu vật liệu...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đang được các địa phương tiếp tục thực hiện là công tác hỗ trợ, tái định cư, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc và các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn (tỉnh An Giang); Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ) đã phê duyệt phương án bồi thường 1.555/1.555 hộ với số tiền 1.735 tỷ đồng. Hiện, đã chi tiền bồi thường được 1.528 hộ với số tiền 1.682 tỷ đồng, nhờ đó, bảo đảm mặt bằng để triển khai thi công.

Riêng tại Sóc Trăng, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 98,24%, nếu tính trên số hộ đạt khoảng 99,28%. Hiện, còn 6 hộ chưa đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng do bị ảnh hưởng lớn về tài sản, nhà, đất; nhà có kết cấu phức tạp, phải thuê đơn vị tư vấn để xác định, thẩm định giá trị tài sản nên mất nhiều thời gian để thực hiện…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, theo các hợp đồng thi công xây lắp đã ký, thời gian hoàn thành dự án vào khoảng tháng 2/2027. Tỉnh An Giang quyết tâm hoàn thành theo mốc thời gian tại Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 60/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, các bước triển khai thực hiện dự án cơ bản bảo đảm theo các mốc thời gian yêu cầu tại Nghị quyết số 91/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch chi tiết của tỉnh. Do khó khăn về nguồn cát, đến nay, khối lượng thực hiện dự án đạt được chưa nhiều.

Tỉnh đã giao mỏ cho các nhà thầu thi công khảo sát, thăm dò khoáng sản, tiến hành khai thác. Hiện, các nhà thầu đã lập các thủ tục khai thác theo quy định. Sau khi tỉnh Sóc Trăng bố trí được nguồn cát san lấp, các nhà thầu đã tập trung đẩy nhanh thi công, phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt tiến độ như đã cam kết với Chính phủ...

Tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022; dài 188,2 km, quy mô phân kỳ 4 làn xe; sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng; tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Điểm đầu tuyến cao tốc kết nối Quốc lộ 91 tại thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) và điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Theo kế hoạch, toàn tuyến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027. Đây là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long.