Tăng sức cạnh tranh cho các cảng biển Quảng Ninh

Với vai trò đảm nhận hơn 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía bắc, để cảng biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, rất cần sự nhìn nhận, định vị rõ nét.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng công-ten-nơ quốc tế Cái Lân.
Cảng công-ten-nơ quốc tế Cái Lân.

Mục tiêu tăng trưởng cảng biển của Quảng Ninh chưa được như mong muốn trong các năm qua là bài toán chung và có thể thấy ở hầu hết các cảng của Việt Nam. Hơn hai năm chịu sự tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phải thu hẹp sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển.

Nhận diện lại vị trí

Từ năm 2022, mặt hàng công-ten-nơ cũng đã bắt đầu chọn Quảng Ninh trở thành điểm đến với các hãng tàu vận tải công-ten-nơ quốc tế lớn trên thế giới như MAERSK và SITC đã đưa Cảng công-ten-nơ quốc tế Cái Lân (CICT) vào hành trình vận chuyển hàng hóa xuyên châu Á. Sau đại dịch Covid-19, hoạt động vận tải hành khách tàu biển quốc tế đã dần khôi phục, nhưng sản lượng và tần suất vẫn còn khá thấp.

Năm 2022, các cảng của Quảng Ninh chỉ đón được 10.000 Teu từ các hãng tàu vận tải công-ten-nơ quốc tế và sáu lượt tàu biển quốc tế đưa khoảng 500 hành khách đến với Hạ Long. 80% số tàu nhỏ dưới 200DWT, hoạt động tại khu vực Cảng Vạn Gia (thành phố Móng Cái) thực hiện xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc dừng hoạt động.

Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh Bùi Ngọc Nam chia sẻ: Luồng hàng hải Cẩm Phả hiện nay do Tập đoàn TKV quản lý, tuy nhiên khoảng từ 5 đến 7 năm trở lại đây, hàng hóa ngành than chỉ chiếm 30% tỷ trọng hàng hóa khu vực, còn lại là các hàng hóa khác. Theo quy hoạch, khu vực Cẩm Phả trong tương lai sẽ khai thác, tiếp nhận cỡ tàu đến 200.000DWT hoặc lớn hơn (độ sâu luồng tương ứng để tàu có thể chở đủ tải cần hơn 15m) nhưng hiện chỉ có độ sâu tự nhiên khoảng 10m, lâu nay tàu trọng tải 50.000DWT phải kết hợp chờ thủy triều mới có thể lưu thông thuận lợi.

Ðại diện doanh nghiệp vận tải cho biết, với hoạt động hàng hải đặc thù của cảng biển Quảng Ninh, việc chuyển tải hàng hóa tại các khu neo đậu chiếm khoảng từ 70% đến 80% sản lượng hàng hóa qua cảng. Tuy nhiên, các vùng neo đậu, chuyển tải hiện tại nằm cách xa bờ từ 20km đến 40km đã gây khó khăn, tốn kém chi phí cũng như không bảo đảm an toàn khi di chuyển cho người và các phương tiện thủy nội địa tại các địa điểm làm thủ tục.

Như vậy, ngoài những khó khăn khách quan thì việc nhanh chóng thiết lập luồng hàng hải từ luồng chuyên dụng thành luồng công cộng tại các cảng biển ở Quảng Ninh là hết sức cần thiết. Cùng với đó, cần bảo đảm thực hiện đúng các quy định về quản lý luồng hàng hải như khảo sát, nạo vét, lắp đặt, bảo trì hệ thống phao báo hiệu và nâng cao năng lực khai thác, tạo đà phát triển cho cảng biển khu vực Quảng Ninh.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của cảng biển

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi trong việc chuyển tải, xếp, dỡ hàng hóa, nhất là các mặt hàng rời như than, nông sản, xi-măng, clinker, đá, quặng. Việc lựa chọn phương thức giao nhận hàng hóa tại khu neo đậu của các chủ hàng là giải pháp hợp lý, hiệu quả trong kết nối các phương thức vận tải từ tàu biển.

Bên cạnh đó, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã chủ động quản lý, khai thác có hiệu quả các khu neo đậu, không ngừng đổi mới phương thức quản lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đại lý hàng hải cũng như các cơ quan liên ngành, bảo đảm hoạt động xuất, nhập khẩu bằng đường biển thông suốt. Tính riêng năm 2022, tổng sản lượng hàng hóa ghi nhận đạt hơn 131 triệu tấn, nộp ngân sách nhà nước hơn 230 tỷ đồng.

Trong hệ thống cảng khu vực miền bắc, Cảng công-ten-nơ quốc tế Cái Lân (CICT) có hạ tầng hiện đại, đồng bộ và là một trong những cảng nước sâu có điều kiện tốt nhất hiện nay. Ðể tăng tính tiện ích, CICT đã tập trung phát triển các loại hình dịch vụ logistics, đặc biệt tháng 9/2022, đây là đơn vị đầu tiên ở miền bắc chính thức đưa vào sử dụng Portal cho các khách hàng dăm gỗ, giúp quản lý các xe ra vào cảng xuất hàng một cách hiệu quả, giải quyết các vướng mắc trong việc trao đổi, truy vấn thông tin cũng như giảm thiểu tình trạng gian lận hàng hóa.

Năm 2022, tổng sản lượng hàng rời của CICT đạt khoảng 3,3 triệu tấn, sản lượng hàng công-ten-nơ đạt gần 11.000Teu. Ðặc biệt, các hãng tàu vận tải công-ten-nơ quốc tế lâu đời và lớn nhất trên thế giới là MAERSK, COSCO và SITC đã quay trở lại cảng để làm hàng.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Huy Mạnh Tăng Ngọc Hà cho biết: Hiện nay, với các cơ chế, chính sách tập trung phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, nhân lực, bảo đảm năng lực xếp dỡ, giải phóng hàng hóa; nhanh chóng kết nối, vận chuyển hàng bằng các phương tiện thủy nội địa đi khắp các tỉnh phía bắc, tạo dựng được uy tín, niềm tin đối với các chủ hàng, chủ tàu, đối tác nước ngoài trong việc đưa các tàu có trọng tải lớn về khu vực cảng biển Quảng Ninh.

Ðể nâng cao sức cạnh tranh cho cảng biển, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của cảng biển, thời gian tới, Quảng Ninh chú trọng phát triển dịch vụ cảng hành khách, cảng hàng hóa, nhất là mặt hàng khí hóa lỏng; mở rộng hạ tầng cảng biển, khu dịch vụ hậu cần sau cảng. Cùng với đó, phát huy tinh thần chủ động của các doanh nghiệp cảng trong tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp nâng cao tính cạnh tranh, thu hút đầu mối hàng mới; xây dựng thương hiệu, định vị thương hiệu cảng biển Quảng Ninh đến các thị trường quốc tế.