Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, giúp hơn 2,9 triệu người cải thiện đời sống

Từ ngày 1/1/2022, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của một số đối tượng được điều chỉnh tăng. Quy định này áp dụng với hơn 2,9 triệu người, giúp họ cải thiện một phần đời sống khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Nguồn số liệu: Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nguồn số liệu: Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Hơn 2,9 triệu người được hưởng lợi

Ngày 7/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021.

Đó là các đối tượng như: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật...

8 đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng

1. Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An sang bảo hiểm xã hội tự nguyện); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
2. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 24/1/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
3. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp hằng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động; công nhân cao-su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206-CP ngày 30/5/1979 của Hội đồng Chính phủ về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc.
4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường.
5. Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ).
6. Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
7. Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
8. Ngoài ra, còn có các đối tượng quy định ở trên nhưng nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995. Nhóm này - sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định, mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng - cũng được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
(Nguồn: Nghị định số 108/2021/NĐ-CP)

Với sự điều chỉnh này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến, cả nước có khoảng 2.966.645 người được điều chỉnh tăng mức hưởng theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP với tổng kinh phí tăng thêm trong tháng 1/2022 gần 1.052 tỷ đồng.

Cải thiện đời sống cho người nghỉ hưu và nhận trợ cấp

Đợt điều chỉnh này tác động tới:
- 904.957 người hưởng từ nguồn ngân sách nhà nước được điều chỉnh với tổng số kinh phí tăng thêm trong tháng 1/2022 hơn 257,3 tỷ đồng. Trong đó, số người hưởng lương hưu được điều chỉnh là 632.437 người với tổng kinh phí tăng thêm trong tháng 1/2022 gần 202,8 tỷ đồng.
- 2.061.688 người hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội được điều chỉnh với tổng kinh phí tăng thêm trong tháng 1/2022 hơn 794,4 tỷ đồng. Trong đó, số người hưởng lương hưu được điều chỉnh là 1.984.695 người với tổng kinh phí tăng thêm trong tháng 1/2022 hơn 781,7 tỷ đồng.

Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội  nước ta.

Việc Chính phủ ban hành chính sách điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với những người về hưu và người hưởng trợ cấp hằng tháng.

Qua đó, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người hưởng lương hưu và trợ cấp, nhất là khi dịch Covid-19 tiếp tục vẫn còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Hiện cả nước có khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Cơ quan thực hiện chính sách luôn cố gắng bảo đảm chi trả đúng thời hạn, an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19. Việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội luôn được điều chỉnh sát với diễn biến thực tế của dịch Covid-19, kịp thời triển khai các giải pháp linh hoạt trong suốt hai năm qua. Cụ thể như: đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả gộp 2 tháng lương hưu, chi trả lương hưu tại nhà…

Trong năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ước tính, đã giải quyết gần 96 nghìn hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.