Vùng Nam Bộ bao gồm vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) với 19 tỉnh, thành phố, là vùng có vị trí địa kinh tế, địa chính trị, quốc phòng và an ninh quan trọng của Việt Nam. Vùng có hai thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị lớn nhất tại vùng.
Theo các chuyên gia, tuy đóng góp GDP lớn nhất so với các vùng khác trong cả nước, nhưng vùng Nam Bộ vẫn được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn của vùng. Trong giai đoạn mới với xu thế hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, mở ra nhiều cơ hội, thách thức cho vùng đầu tàu kinh tế của Việt Nam trong phát triển nhanh và bền vững.
Đề cập đến liên kết vùng và liên kết trong phát triển bền vững, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho rằng: Cùng với sự phát triển, hàng loạt vấn đề mới nổi lên mà một địa phương riêng lẻ không thể tự giải quyết được, hoặc tự giải quyết không hiệu quả như giao thông liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, cơ cấu lại kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chủ động đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0… Mặc dù đã có hội đồng vùng được thành lập ở cả hai vùng (vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) nhưng việc phát huy vai trò thật sự của cơ chế này còn chậm trong việc hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố vì không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, ngoài những trụ cột như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các nguồn lực khác (công nghệ, tài chính, văn hóa, xã hội…), thì cần phải nhìn nhận một trụ cột có tính quan trọng và kích hoạt cho sự phát triển vượt bậc, để khơi thông mọi nguồn lực, tiềm năng của vùng Nam Bộ, đó chính là "trụ cột thể chế". Trong đó, có những vấn đề về thể chế phát triển bền vững và thể chế liên kết vùng để phát triển. Nếu khơi thông được "trụ cột thể chế", sẽ giúp kích hoạt, tạo động lực rất quan trọng phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó, sẽ lan tỏa và khơi thông các yếu tố trụ cột quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia, vùng, và từng địa phương như cơ sở hạ tầng, nguồn lực công nghệ, nguồn lực tài chính, nguồn lực văn hóa, nguồn lực xã hội khác…
Các chuyên gia cho rằng, vùng Đông Nam Bộ là trung tâm lan tỏa phát triển và kết nối liên vùng với Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Vùng là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội khá hiện đại, lực lượng lao động có kỹ năng cao, đội ngũ nhân lực khoa học-công nghệ trình độ cao, có cộng đồng doanh nghiệp năng động và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sôi động bậc nhất cả nước. Đồng thời là vùng dẫn đầu về hội nhập quốc tế, cửa ngõ lớn nhất thu hút các dòng đầu tư nước ngoài của quốc gia, có lợi thế phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu... Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có, vùng chưa phát huy hết sức mạnh của toàn vùng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là liên kết vùng, liên kết giữa các vùng chưa được phát huy hiệu quả, còn nhiều hạn chế. Liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài theo hướng bổ trợ lẫn nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Quang, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị, vùng Đông Nam Bộ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên kết vùng. Theo đó, vùng cần đổi mới tư duy trong quá trình xây dựng thể chế liên kết vùng; thay đổi mạnh mẽ tư duy "nhiệm kỳ", "giới hạn theo địa giới hành chính" và cơ cấu kinh tế "khép kín"… Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện những chính sách thúc đẩy liên kết vùng; tăng cường hiệu lực thực thi các quy định về liên kết vùng; tăng cường cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát… trong liên kết vùng.
Trong khi đó, bàn luận về thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lan, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết: Việc xây dựng một thể chế vững mạnh giúp định hình các chính sách hợp lý, tạo ra cơ chế giám sát và quản lý hiệu quả, và khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Điều này đặc biệt quan trọng trong các khu vực có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội như Đồng bằng sông Cửu Long. Việc xây dựng thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Hiện, liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp phải một số hạn chế đáng kể và để khắc phục những hạn chế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các cơ quan liên quan. Các giải pháp có thể bao gồm việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện quản lý tài nguyên, nâng cao khả năng phối hợp và thực hiện các chính sách phát triển đồng bộ và bền vững.
Cụ thể, hoàn thiện thể chế liên kết vùng phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp chính quyền trong giai đoạn 2021-2030 nhằm bảo đảm tăng cường liên kết vùng, qua đó thúc đẩy phát triển địa phương một cách nhanh và bền vững. Đồng thời, thể chế liên kết vùng cần bảo đảm thúc đẩy liên kết vùng dựa trên cơ sở tôn trọng, hài hòa lợi ích, bảo đảm tạo lập và duy trì sự tin tưởng giữa các bên, tạo lợi thế cạnh tranh của vùng, tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.
Các chuyên gia cho rằng, liên kết vùng được đánh giá là một trong những công cụ chính sách phát triển hiệu quả của nhiều quốc gia trên thế giới, của Việt Nam và vùng Nam Bộ nói riêng. Liên kết vùng hiệu quả giúp các địa phương phát huy được nội lực và tận dụng được ngoại lực của các địa phương khác, tạo ra chuỗi các giá trị kinh tế tổng hợp và mở rộng thị trường.
Do đó, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới, nhằm phát triển vùng. Trong đó, chú trọng đến các cơ chế, chính sách về điều phối, phát triển liên kết vùng, không chỉ liên kết giữa vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn phải liên kết với các vùng khác trong cả nước.