Việc tập trung phát triển bền vững đối với doanh nghiệp có thể hiểu đơn giản là chiến lược quản trị doanh nghiệp phát triển thích ứng được với mọi hoàn cảnh, dựa trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích về kinh tế bao gồm: lợi nhuận, doanh thu với lợi ích của người lao động và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, trong nhiều năm nay, phần lớn các doanh nghiệp đều dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ "kinh doanh vì lợi nhuận" sang kinh doanh có trách nhiệm.
Theo báo cáo của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thứ hạng của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên trường quốc tế liên tục tăng trong giai đoạn 2016-2021, từ vị trí 88/149 quốc gia năm 2016 lên vị trí 51/165 quốc gia năm 2021. Tuy nhiên, một số mục tiêu Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện vẫn còn một khoảng cách rất lớn như: hạ tầng, tài nguyên đất liền, tài nguyên biển; đặc biệt là phát triển đô thị, nông thôn bền vững. Ðối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thách thức lớn nhất hiện nay trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là nhân lực, cơ sở hạ tầng, tài chính còn hạn chế, nhiều thói quen cũ trong sản xuất, quản lý vẫn chậm thay đổi. Ðồng thời, nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam chủ yếu vẫn là nguồn lực công.
Ðể hoàn thành được 17 mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp cần tiếp tục thay đổi tư duy kinh doanh, nhìn nhận phát triển bền vững như con đường tất yếu và duy nhất để trụ vững trên thương trường toàn cầu, từ đó thiết lập hệ thống liên kết mạng lưới các doanh nghiệp bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh. Bởi phát triển bền vững không chỉ là "kim chỉ nam" trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn dắt doanh nghiệp thích ứng và phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tác động tiêu cực đến "sức khỏe" của phần lớn doanh nghiệp. Ðồng thời, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy nhìn nhận về khủng hoảng, từ đó có sự chuẩn bị và đầu tư, thậm chí tập trung nhiều nguồn lực hơn cho việc thiết lập quản lý rủi ro và kế hoạch hoạt động kinh doanh liên tục để khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp có thể khởi động ngay cơ chế phòng ngự và khắc phục sự cố, sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn.