Tăng cường và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với A-rập Xê-út, Tunisia và Algeria

Nhận lời mời của Quốc vương Vương quốc A-rập Xê-út Abdallah bin Abd al-Aziz Al Saud, Tổng thống nước CH Tunisia Zine el Abidine Ben Ali và Tổng thống nước CH Algeria Dân chủ và Nhân dân Abdelaziz Bouteflika, hôm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt đầu thăm ba nước này. Ðây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta đến A-rập Xê-út và Tunisia, chuyến thăm thứ ba đến Algeria kể từ khi Việt Nam và ba nước thiết lập quan hệ ngoại giao.   

Nằm trên bán đảo A-rập, chiếm 80% diện tích bán đảo, A-rập Xê-út có trữ lượng dầu mỏ khoảng 260 tỷ thùng và là nước xuất khẩu dầu mỏ đứng đầu thế giới.

A-rập Xê-út có nền kinh tế phát triển với tăng trưởng GDP trung bình 4,4%/năm.

Các ngành công nghiệp chính ở A-rập Xê-út là sản xuất dầu thô, lọc dầu, hóa dầu, khí đốt, xi-măng, phân bón, nhựa chất dẻo, thép, xây dựng. Ðể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ A-rập Xê-út đã thông qua gói kích cầu 122 tỷ USD, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế. Nằm ở khu vực Bắc Phi, bên bờ Ðịa Trung Hải, cả hai nước Tunisia và Algeria đều có thế mạnh về dầu mỏ và khí đốt. Trữ lượng dầu mỏ của Tunisia khoảng 1,7 tỷ thùng và Algeria khoảng 38 tỷ thùng; trữ lượng khí đốt của Tunisia khoảng 77,8 tỷ m3 và Algeria khoảng 5.000 tỷ m3, đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu khí đốt. Tunisia đứng thứ hai thế giới về sản lượng phốt-phát (một triệu tấn mỗi năm). Tunisia còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp như dầu ô-liu, lúa mì, cam, chanh, nho, chà là. Du lịch là một trong những nguồn thu chính, đóng góp một phần ba tổng thu nhập GDP của Tuy-ni-ni. Những năm gần đây, Tunisia đẩy mạnh cải cách kinh tế, được Ngân hàng Thế giới (WB) bình chọn là nước có nền kinh tế cạnh tranh nhất châu Phi và thứ 34 thế giới. Algeria đã tiến hành cải cách kinh tế từ năm 1994 và thu được nhiều kết quả tích cực. Ðến năm 2004, Algeria cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút sáu tỷ USD đầu tư tư nhân trong nước và 10 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài; dự trữ ngoại tệ năm 2008 đạt 150,5 tỷ USD.

Quan hệ giữa Việt Nam với A-rập Xê-út, Tunisia và Algeria đang ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư.

Việt Nam và A-rập Xê-út thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-10-1999. Năm 2007, Việt Nam mở Ðại sứ quán tại Thủ đô Ri-át và đầu năm 2009, A-rập Xê-út mở Ðại sứ quán tại Hà Nội. Việt Nam và A-rập Xê-út đã ký Hiệp định khung hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư và kỹ thuật. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và A-rập Xê-út trong những năm qua tăng nhanh, đạt hơn 460 triệu USD năm 2009. Hàng xuất khẩu của nước ta sang A-rập Xê-út là sản phẩm dệt may, thủy sản, máy vi tính, linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ, sắt thép. Việt Nam nhập của A-rập Xê-út chủ yếu là các sản phẩm dầu mỏ, hóa chất, khí hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu. Hiện có khoảng 6.000 người lao động Việt Nam làm việc tại A-rập Xê-út.

VIỆT NAM và Tunisia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15-12-1972. Nhóm nghị sĩ hữu nghị giữa hai nước đã được thành lập tại QH Việt Nam và QH Tunisia. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tunisia được tăng cường, nhất là trong các lĩnh vực dầu khí. Việt Nam và Tunisia đã ký Thỏa thuận hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật; Hiệp định khung hợp tác nông nghiệp; Bản ghi nhớ về hợp tác, hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp hai nước; Hiệp định miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao và công vụ; Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực du lịch... Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Tunisia đạt 15 triệu USD (năm 2009).

MỐI quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Algeria được đánh dấu bởi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Việt Nam và Algeria đã ký nhiều hiệp định hợp tác : Hiệp định thương mại; Hiệp định hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật; Hiệp định miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao và công vụ và các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp, công nghiệp. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Algeria năm 2009 đạt 100 triệu USD. Việt Nam và Algeria tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động. Hiện có khoảng 1.000 công nhân Việt Nam làm việc tại dự án "Hành lang Ðông-Tây" ở Algeria.

Ba nước A-rập Xê-út, Tunisia và Algeria đều có vai trò quan trọng ở khu vực và đang đẩy mạnh "chính sách hướng Ðông", tăng cường hợp tác kinh tế với các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với ba nước này, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

CHÚC chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới A-rập Xê-út, Tunisia và Algeria thành công tốt đẹp, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với ba nước sang giai đoạn phát triển mới, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.