Xử lý mạnh, vi phạm vẫn không giảm
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh), các hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm; sản xuất, kinh doanh hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn không giảm.
Mặc dù, các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý rất nhiều đối tượng vi phạm kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại với số lượng hàng hóa vi phạm bị xử lý lớn, nhưng nhiều trường hợp vẫn tái phạm.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh đã thanh tra, kiểm tra 7.773 vụ. Trong đó, lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý: 1.203 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng hóa nhập lậu; 5.964 vụ vi phạm về gian lận thương mại và 606 vụ vi phạm về hàng giả; khởi tố 27 vụ với 41 đối tượng; thu nộp ngân sách tổng số tiền hơn 1.362 tỷ đồng.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh vừa diễn ra, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) - Công an Thành phố Hồ Chí Minh nêu trường hợp điển hình, các đối tượng lợi dụng hình thức mua bán dầu FO, DO tạm nhập, tái xuất để đưa dầu vào nội địa tiêu thụ. Đầu năm 2024, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây buôn lậu dầu lợi dụng hình thức mua bán dầu DO, FO tạm nhập, tái xuất của nhóm đối tượng do Lê Tấn Hòa chủ mưu. Qua điều tra cho thấy, lợi dụng quá trình vận chuyển dầu thông qua pháp nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải xăng dầu Saigon Transco, Lê Tấn Hòa chỉ đạo nhân viên của công ty liên hệ với các tàu nước ngoài để thương lượng mua lại một phần dầu của lô hàng giao (hàng hóa thuộc diện tạm nhập, tái xuất) mà không làm thủ tục khai báo hải quan theo quy định, đưa vào nội địa tiêu thụ, thu lợi bất chính.
Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh mặt hàng thuốc lá, thuốc lá điện tử gia tăng. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội cũng như trang thương mại điện tử để rao bán mặt hàng này. Ngày 13/3/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) kiểm tra Hộ kinh doanh Lê Quốc Thái, địa chỉ tại số 374 đường Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú và số 64/18 đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 phát hiện tại đây đang kinh doanh 10.266 sản phẩm thuốc lá điện tử các loại, phụ kiện và tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ trị giá hơn 3,7 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã xử phạt số tiền 105 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Nhiều thủ đoạn “lách” kiểm tra
Theo nhận định của PC03 - Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu ngoại nhập (chủ yếu là Jet, Hero) từ khu vực biên giới Campuchia với tỉnh Tây Ninh, Long An diễn ra trên tuyến đường bộ và đường thủy với thủ đoạn lợi dụng địa hình, địa vật sông nước chằng chịt, dân cư thưa thớt, khả năng huy động phương tiện thủy, bộ của lực lượng chống buôn lậu còn hạn chế.
Các đối tượng sử dụng ghe nhỏ (vỏ lãi) gắn động cơ công suất lớn chở hàng từ khu vực Tây Ninh, Long An về xã Lộc Giang (huyện Đức Hòa, Long An) tập kết, sau đó tùy theo tình hình hoạt động của các cơ quan chức năng, các đối tượng tổ chức vận chuyển bằng đường thủy hoặc bộ về khu vực giáp ranh Long An, Tây Ninh với các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) để tập kết (như một khu vực trung chuyển) và giao hàng cho các điểm tiêu thụ trong Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Theo Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình tội phạm, vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển vẫn diễn ra phức tạp. Các đối tượng tội phạm, vi phạm tăng cường hoạt động mạnh mẽ. Hàng hóa chủ yếu vận chuyển, chứa trữ qua các cảng biển quan trọng như cảng Cát Lái, ICD Phước Long, Hiệp Phước, VICT,… và vùng ven biển huyện Cần Giờ.
Thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng chủ yếu là khai báo sai số lượng, chủng loại mặt hàng nhằm mục đích buôn lậu, trong đó nổi lên phương thức thủ đoạn khai báo tạm nhập, tái xuất hàng hóa sang nước thứ ba, sau đó thẩm lậu trở lại bằng cách chia nhỏ số hàng hóa để qua biên giới và tập kết về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Đồng thời, lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách xuất nhập khẩu, các đối tượng khai báo hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu (loại hình A12), hàng hóa về các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng mở tờ khai điện tử tại các cửa khẩu khác như Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, cho nên việc kiểm soát hàng hóa lại thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng tỉnh khác. Ngoài ra, các đối tượng trà trộn hàng hóa nhập lậu vào hàng hóa được hưởng luồng Xanh, luồng Vàng để không bị kiểm tra hàng hóa hoặc chỉ kiểm tra hồ sơ mà không kiểm tra thực tế hàng hóa. Các đối tượng thành lập, sử dụng các công ty “ma” không có hoạt động tại địa chỉ đăng ký, sau thời gian ngắn sẽ thay đổi tên công ty nhằm tránh sự chú ý, theo dõi của cơ quan chức năng.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố cho biết, trong thời gian tới, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục được đẩy mạnh để giữ vững môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng. Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiêm túc tổ chức thực hiện kế hoạch tăng cường công tác quản lý địa bàn chặt chẽ, hiệu quả; đồng thời tăng cường phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả tại địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng cũng nhấn mạnh, các đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, đài, trang mạng xã hội để người dân, doanh nghiệp hiểu, đồng hành cùng lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ■