Tại đây, sau khi trực tiếp dự một tiết học thực nghiệm môn Toán, bài "Phương trình đường tròn" cùng thầy trò lớp 10A1, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã có nhận xét: Qua tiết học này, có thể nhận thấy bước đầu tiên cô giáo đã dạy học theo hướng tiếp cận năng lực, học sinh được giao làm các bài tập nhiều hơn, thông qua làm bài tập thì học sinh hình thành được kiến thức, sau đó giáo viên là người tổng hợp để đưa ra kết luận giúp học sinh hiểu và có thể vận dụng được kiến thức. “Hôm nay là một tiết học mà tôi thấy rất bổ ích, thú vị và cảm nhận phù hợp với năng lực của các em học sinh” – Thứ trưởng cho biết.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thương (Trường THPT Tây Hồ), người thực hiện buổi học thực nghiệm cho biết: Sách giáo khoa mới đã đưa vào những nội dung, cách thức khơi dậy năng lực của học sinh. Giáo viên đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, đặt vấn đề để học sinh tự tìm tòi, phát hiện và triển khai nội dung bài học. Sách giáo khoa mới đã đưa vào những hình ảnh trực quan và bài tập gần gũi với đời sống, cách dẫn dắt kiến thức từ dễ đến khó, giúp giáo viên dễ dàng tiếp cận để truyền tải tới học sinh, các em cũng dễ học, dễ nhớ hơn. Cô cho biết, học sinh tích cực tham gia các hoạt động, chăm chú nghe giảng, hiểu bài nhanh và tích cực phát biểu xây dựng bài.
GS, TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Toán Cánh Diều cho biết: Việc triển khai dạy thực nghiệm là phần yêu cầu bắt buộc và rất quan trọng trong quy trình biên soạn sách giáo khoa.
Mục đích thực nghiệm là kiểm nghiệm, đánh giá tính khả thi, mức độ đáp ứng yêu cầu của các bài học trong sách giáo khoa mới để từ đó có cơ sở chỉnh sửa và hoàn thành bản mẫu sách trước khi gửi Hội đồng quốc gia thẩm định. Việc thực nghiệm sẽ được tiến hành ở các vùng miền trong điều kiện kinh tế- xã hội, đặc thù nhà trường khác nhau.
Các giáo viên sẽ phải nghiên cứu, soạn bài, tiến hành giờ dạy của mình. Các giáo viên có thể trao đổi với tác giả, đồng nghiệp trong tổ chuyên môn. Về cơ bản giáo viên đọc, tìm hiểu, xây dựng bài giảng, dạy học, giống như việc sau này sẽ dạy sách giáo khoa mới, và tiến hành như một hoạt động chuyên môn bình thường. “Giáo viên tiến hành giờ thực nghiệm một cách khách quan, trung thực để chúng tôi có thể nhận được sự phản hồi chính xác, cụ thể và chất lượng cho công tác biên soạn sách giáo khoa mới” - GS, TSKH Đỗ Đức Thái nói về cách thức triển khai thực nghiệm sách giáo khoa.
Hiện các bộ sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 Cánh Diều đang được triển khai dạy thực nghiệm theo quy định, dự kiến sẽ hoàn thành thực nghiệm các bộ sách giáo khoa này trước ngày 10-5-2021.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD-ĐT chủ trương tăng cường nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa. Các nhà xuất bản cần tiến hành thẩm định thấy phù hợp mới gửi bản mẫu sách giáo khoa lên Hội đồng quốc gia thẩm định. Bộ GD-ĐT cũng đồng hành trong việc đẩy mạnh dạy thực nghiệm tại các nhà trường. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở GD-ĐT, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để công tác dạy thực nghiệm diễn ra hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra, từ đó, phản ánh trung thực, khách quan chất lượng và tính phù hợp của sách giáo khoa mới.
Năm nay, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản xây dựng kế hoạch thực nghiệm cụ thể, có tên bài, địa chỉ, thời gian, đối tượng các em học sinh ở từng khu vực, đồng thời bảo đảm về mẫu, điều kiện vùng miền, điều kiện về năng lực trình độ học sinh, Thứ trưởng nhấn mạnh.