Tăng cường thực hiện Đề án 06

Thành phố Hà Nội được lựa chọn là đơn vị làm điểm Ðề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Ðề án 06) của Chính phủ. Do đó, thành phố xác định, việc thực hiện Ðề án 06 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Công an xã Yên Thường, huyện Gia Lâm làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân. (Ảnh PHẠM KIÊN)
Công an xã Yên Thường, huyện Gia Lâm làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân. (Ảnh PHẠM KIÊN)

Mục tiêu tổng quát của Ðề án 06 là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kết quả bước đầu

Từ ngày 1/1/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử được tích hợp các thông tin sẽ là giấy tờ để công dân thực hiện giao dịch thay thế Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Vì vậy, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai đợt cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp (từ ngày 25/7 đến 25/8/2022), bảo đảm toàn bộ công dân trên địa bàn đủ điều kiện được cấp CCCD gắn chíp. Công an các xã, phường, thị trấn đã triển khai cấp CCCD gắn chíp ba ca/ngày, từ 7 giờ đến 22 giờ hằng ngày, bảo đảm tận dụng tối đa thời gian sử dụng các bộ thiết bị thu nhận.

Tại huyện Chương Mỹ, Công an 32 xã, thị trấn đã tổ chức rà soát lại toàn bộ số nhân khẩu trong diện cấp, nhưng chưa được cấp thẻ CCCD gắn chíp. 18 đồng chí công an đã chia làm ba tổ làm việc lưu động tại các xã, thị trấn từ 7 giờ 30 phút sáng đến tối khi hết công dân tới làm. Theo Công an huyện Chương Mỹ, những trường hợp công dân đến thời điểm này mới đi làm CCCD phần lớn là người già, yếu, người có vân tay hỏng hoặc người khuyết tật. Quá trình thu nhập hồ sơ lưu động còn gặp nhiều khó khăn do các xã xa trung tâm, máy móc thiết bị tháo lắp hằng ngày dễ gặp sự cố lỗi, hỏng. Tuy nhiên, toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của tất cả các địa phương, đến nay, thành phố Hà Nội đã thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu, cấp 35.630 CCCD gắn chíp kèm định danh điện tử cho học sinh, đồng thời tiếp nhận và giải quyết hơn 2,6 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử. Trên địa bàn hiện đã có 4,4 triệu người có thẻ Bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám, chữa bệnh; có 447 cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám, chữa bệnh... Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn thông tin, đơn vị đang nhanh chóng triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực hộ tịch đối với thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia áp dụng toàn địa bàn thành phố...

Tạo bước đột phá trong triển khai

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, là địa phương được chọn để thực hiện điểm, làm mẫu, nhân rộng Ðề án 06 ra toàn quốc, thành phố đã thực hiện nghiêm túc, bài bản với quyết tâm tạo bước đột phá trong triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Từ khi thành lập, Ban Chỉ đạo 06 thành phố thường xuyên tổ chức họp định kỳ hằng tháng để đánh giá kiểm điểm tình hình, tiến độ triển khai thực hiện, báo cáo Tổ công tác Ðề án 06 Chính phủ. Tới nay, 100% Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn đã thành lập Ban Chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06 để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở.

Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã kết nối và khai thác thành công dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo quy định. Thành phố Hà Nội đã hoàn thành triển khai 21 trong tổng số 25 dịch vụ công thiết yếu theo Ðề án 06 (đạt 84%). Hiện còn bốn dịch vụ công chưa hoàn thành, đang quyết liệt chỉ đạo triển khai, bám sát hướng dẫn và chỉ đạo của bộ, ngành chủ quản, bảo đảm triển khai xong trong tháng 8/2022.

Tuy nhiên, việc thực hiện Ðề án 06 của Chính phủ hiện còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hệ thống đường truyền thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu các ngành còn vướng mắc do kỹ thuật kết nối chưa đồng bộ. Một số bộ, ngành có hệ thống dữ liệu, phần mềm đã xây dựng từ lâu theo quy chuẩn kết nối cũ, nên chưa bảo đảm được yêu cầu về đồng bộ kết nối. Ngoài ra, việc thuê doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhận một số nội dung nhiệm vụ tại bộ phận "một cửa" chưa có Thông tư hướng dẫn về định mức, mức chi cho việc thực hiện nội dung này. Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Ðề án 06 của Chính phủ trên địa bàn thành phố. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện các nội dung của Ðề án 06, phát huy vai trò của người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trước Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả, tiến độ triển khai.