Tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ

Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, bảo vệ cây trồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học trong suốt thời gian dài khiến ngành nông nghiệp đối mặt với nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe con người, chất lượng nông sản, ô nhiễm đất, nguồn nước.

Thời gian qua, người dân ở các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.
Thời gian qua, người dân ở các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một nền nông nghiệp mang tính bền vững, an toàn, trong đó, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học được xem là chìa khóa, là giải pháp thay thế hợp lý, thông minh nhất.

Bài 1: Bước chuyển mạnh mẽ

Do giá phân bón vô cơ tăng cao, đồng thời thấy rõ những tác động tiêu cực của việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học, thời gian qua, người dân ở nhiều địa phương đã mạnh dạn chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học chăm sóc cây trồng. Sau một thời gian, những mảnh đất, vườn cây cằn cỗi được hồi sinh, tạo ra những nông sản chất lượng, được thị trường ưa chuộng.

Giá phân bón vô cơ gần hai năm qua tăng cao, có loại tăng hơn 100% khiến nông dân phải tính toán lại chi phí đầu vào bằng cách sử dụng phân hữu cơ. Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ bước đệm an toàn đến sản xuất theo hướng hữu cơ

Ông Phạm Quang Mười nguyên là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar (Đắk Lắk). Hơn 20 năm trên cương vị lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện, ông Mười hiểu rất rõ từng mảnh vườn, tấc đất nơi đây. Sau khi trở thành cố vấn của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh HD và MN (buôn Yông, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) bao nhiêu kinh nghiệm, kiến thức trong suốt những năm gắn bó với ngành nông nghiệp được ông Mười áp dụng triệt để vào sản xuất. Ông chia sẻ, với 14 thành viên, HTX đã thuê 80 ha đất trồng cao-su để canh tác các loại cây ăn quả.

Trong đó, 40ha trồng sầu riêng, còn lại là các loại cây bơ, bưởi, xoài, mít. “Lúc mới nhận bàn giao, đất chai cứng lắm, bổ cuốc xuống, nảy cả lên, chúng tôi mất hơn hai năm cải tạo. HTX đã mua phân gà hữu cơ loại nhập khẩu của Nhật Bản kết hợp phân trùn quế, phân tự ủ để chăm bón cho cây với tỷ lệ 70% phân bón hữu cơ, 30% phân bón vô cơ. Cùng với quá trình cân đối lượng phân bón, chúng tôi làm sạch cỏ ở quanh gốc cây, phía bên ngoài giữ nguyên thảm cỏ. Nhờ vậy, sau hơn hai năm hệ sinh vật chung quanh trở về trạng thái tự nhiên tơi xốp, giữ được độ ẩm. Tiếp đó, để chuyển từ giai đoạn bước đệm an toàn sang hướng sản xuất hữu cơ, chúng tôi tiếp tục duy trì việc chăm sóc, cải tạo đất”, ông Mười cho hay.

Chỉ tay về vườn sầu riêng xanh mướt, ông chia sẻ: Lá nào lá nấy mập mạp, xanh mướt chủ yếu là nhờ phân hữu cơ. Mỗi gốc sầu riêng giai đoạn mới trồng một năm người nông dân bón tới 5kg phân hữu cơ nhưng chỉ sử dụng có 0,5kg phân vô cơ. Khi cây bước sang giai đoạn cho trái mỗi gốc, họ bón khoảng 10kg phân hữu cơ, 3kg phân vô cơ. Nhờ vậy, cả một vườn 40ha sầu riêng mỗi năm chỉ sử dụng hơn 2 tấn phân hóa học. Cùng với việc duy trì sử dụng phân bón hợp lý, các xã viên thường xuyên thăm vườn. Khi phát hiện vườn cây có sâu, bệnh sẽ ưu tiên dùng thuốc BVTV sinh học.

Đối với những loại sâu bệnh không có thuốc BVTV sinh học đặc trị mới sử dụng đến thuốc BVTV hóa học thế hệ mới và thực hiện xử lý theo đúng quy  trình, kỹ thuật. Năm nay, khoảng 30ha sầu riêng của HTX đã bắt đầu cho trái. Kiên trì mất mấy năm giờ đã cho trái ngọt, nhờ quy trình sản xuất an toàn. Chưa thu hoạch nhưng chủ vựa trái cây đã đến đặt cọc bao tiêu tới 60-70% sản lượng và mua với mức giá cao hơn so với mặt bằng chung thị trường.

Ông Mười kể, “Hôm vừa rồi có doanh nghiệp chở lên đây 20 tấn phân trùn quế, bà con tranh nhau mua, phân hữu cơ tiết kiệm được 30-40% chi phí đầu vào lại tốt đất, bền cây. Hộ nào chuyển sang dùng phân hữu cơ dù giá phân bón vô cơ có tăng cao cũng sẽ giảm được nhiều ảnh hưởng”.

Cũng là người dày công cải tạo đất, từ năm 2014, được sự hướng dẫn của cán bộ thuộc Viện Khoa học-Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, ông Lê Văn Tâm, thôn Cao Thành, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã biết cách để thảm cỏ, trồng cây bóng mát và bón phân hữu cơ cho cây trồng. Nhà ông có 4,5ha cà-phê.

Năm 2018, ông liên kết sản xuất cà-phê theo hướng hữu cơ với Công ty TNHH MTV Minudo Farm-Care. Trước đó đất đã được cải tạo cho nên mỗi gốc cà-phê chỉ cần bón 2-3kg phân hữu cơ, 0,3-0,5kg phân NPK, tổng chi hết khoảng 20 nghìn đồng, so với việc sử dụng hoàn toàn phân vô cơ như cách làm truyền thống trước đây. Cách làm này tiết kiệm được khoảng 50% chi phí phân bón.

Những năm đầu chuyển sang sử dụng phân hữu cơ năng suất cây trồng giảm khá nhiều. Vườn cà-phê của gia đình ông trồng từ năm 1995, trước đây mỗi ha thu hoạch từ 3-3,5 tấn cà-phê nhân, sau chuyển đổi chỉ thu hoạch khoảng hơn 2 tấn. Tuy nhiên, bù lại cà-phê rất được giá. Như năm nay, giá cà-phê tươi trên thị trường chỉ từ 7.000-8.000 đồng/kg, cà-phê của gia đình ông bán với giá từ 14-17 nghìn đồng/kg. Năng suất giảm nhưng tổng lợi nhuận cao hơn so với cách trồng truyền thống từ 50-70 triệu đồng/ha, chưa kể thu nhập từ việc trồng xen canh các loại cây ăn quả như chuối, bơ.

Tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ -0
Lão nông Phạm Quang Mười (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) thu hoạch mít được trồng theo hướng hữu cơ. 

Con đường tất yếu tăng tính cạnh tranh cho nông sản

Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, lượng thuốc BVTV hóa học được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta trong những năm qua đã có sự thay đổi rõ rệt. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), từ năm 1990 đến nay, lượng thuốc BVTV được sử dụng ở Việt Nam giảm dần qua các năm. Năm 1996, bình quân 1ha, người dân sử dụng 4,68kg thuốc BVTV. Hiện nay, lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình ở nước ta là 1,7kg/ha, bằng với lượng thuốc sử dụng tại Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác như: Trung Quốc (13,1kg/ha), Nhật Bản (11,8 kg/ha), Malaysia (8,1kg/ha).

Lượng thuốc BVTV sinh học được sử dụng ngày một gia tăng, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện có 4.069 tên thương phẩm. Trong đó, thuốc BVTV sinh học chiếm 18,26% tổng số thuốc BVTV được đăng ký. Theo báo cáo tổng kết của 10 nước ASEAN thì Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về số lượng cũng như chủng loại thuốc BVTV sinh học, chiếm 62,8% số sản phẩm thuốc sinh học của toàn khu vực.

Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong việc điều chỉnh sử dụng thuốc BVTV cũng như phân bón nhưng ở nhiều địa phương hiện nay, vẫn còn tình trạng lạm dụng các yếu tố vật tư đầu vào này. Đây cũng là nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, rào cản lớn nhất vẫn là các tiêu chuẩn về chất lượng, mức độ tồn dư thuốc BVTV trong nông sản, nhất là khi xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, cùng với việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học cũng là yếu tố then chốt quyết định tới chất lượng sản phẩm. Thuốc BVTV sinh học mang tính an toàn cao, ít độc đối với sinh vật có ích và môi trường, nhanh phân hủy trong tự nhiên, không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản.

Muốn có sản phẩm nông nghiệp an toàn để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản và hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, yếu tố đầu vào mang tính quyết định chính là phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học. Tuy nhiên, đẩy mạnh sản xuất cũng như sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học hiện nay còn nhiều khó khăn, cần sớm có giải pháp khắc phục.

(Còn nữa)