Tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển thuộc Ðồng bằng sông Cửu Long - Giai đoạn 1” tại tỉnh Sóc Trăng bước đầu đem lại những kết quả tích cực, giúp người dân thêm sinh kế và tích lũy kinh nghiệm chống chịu biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Có hơn 105 ha rừng ngập mặn được trồng và cải tạo mới tại Sóc Trăng.
Có hơn 105 ha rừng ngập mặn được trồng và cải tạo mới tại Sóc Trăng.

Sóc Trăng có diện tích rừng phòng hộ ven biển hơn 6.788 ha, trong đó tập trung ở thị xã Vĩnh Châu. Từ hơn 2 năm qua, đều đặn mỗi ngày, các thành viên của Tổ trồng rừng xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vượt qua khoảng 3 km bùn lầy, lún hơn nửa gối, mang cây giống ra bãi bồi để trồng.

Ông Sơn Túp, thành viên Tổ trồng rừng cho biết, trước đây vùng bãi bồi Lạc Hòa này chỉ toàn bùn đất kéo dài từ mé biển lên hàng cây số. Cây rừng thưa thớt, hầu như không có sinh vật nào sống được. Nhận thấy lợi ích từ việc trồng rừng, khi chính quyền địa phương triển khai chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển, ông và nhiều người dân đã tích cực tham gia.

Thực hiện Dự án “Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển thuộc Ðồng bằng sông Cửu Long - giai đoạn 1”, tỉnh Sóc Trăng giao thị xã Vĩnh Châu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xem xét, thực hiện theo đề xuất của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid-AFV) và Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV).

Dự án hướng tới việc giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của các cộng đồng ven biển tại Sóc Trăng. Với sự tham gia tích cực của cộng đồng, 1.400 hộ gia đình ven biển Sóc Trăng đã được tiếp cận rừng ngập mặn hợp pháp, ngắn hạn 1 năm để bảo vệ và phát triển sinh kế dưới rừng; trồng và cải tạo hơn 100 ha rừng ngập mặn với tỷ lệ sống của cây trồng mới cao, tỷ lệ hấp thụ các-bon của cây tăng mạnh.

Mới đây, Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu phối hợp AFV tổ chức tổng kết dự án. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Trần Trí Vân cho biết, sau gần 3 năm thực hiện, từ giữa năm 2022 đến cuối năm 2024, dự án tác động tích cực đến đời sống của người dân tại 3 xã ven biển được triển khai gồm Lạc Hòa, Vĩnh Hải và Lai Hòa.

Ðến nay, có 105 ha rừng ngập mặn được trồng và cải tạo mới với tỷ lệ sống của cây trồng mới rất cao, đạt 95%; tỷ lệ hấp thụ các-bon của cây rừng tăng 22,8%; 1.400 hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng và phát triển sinh kế dưới rừng, thu nhập trung bình tăng 40%; số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm 85,7%.

Ở cấp quốc gia, Dự án đã phối hợp với Viện Sinh thái rừng và Môi trường, Trường đại học Lâm nghiệp xây dựng phương pháp đo đếm các-bon rừng ngập mặn. Trong đó, cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong giám sát mức độ phát triển của cây rừng và cập nhật dữ liệu đầu vào cho quá trình tính toán hấp thụ các-bon, biến một nhiệm vụ tưởng chừng chỉ có các nhà khoa học mới làm được, trở thành công việc mà mỗi người dân đều có thể làm hiệu quả.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Ðiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp cho biết, trường được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chủ trì, phụ trách xây dựng Sổ tay Hướng dẫn kỹ thuật xác định sinh khối và trữ lượng các-bon rừng ngập mặn.

“Qua nghiên cứu tại Vĩnh Châu, chúng tôi tin rằng các nhà khoa học lâm nghiệp Việt Nam có thể xây dựng được công cụ kỹ thuật cao cho ngành, mở ra cơ hội làm chủ các thảo luận và chính sách về tài chính khí hậu cấp khu vực và toàn cầu. Ngoài ý nghĩa với cộng đồng, tín chỉ các-bon hấp thụ từ rừng ngập mặn là loại xanh dương, thường có giá bán cao hơn so với các-bon từ rừng cạn” - Giáo sư Phạm Văn Ðiển cho biết.

Từ nghiên cứu của dự án, Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật điều tra, đo đếm các-bon rừng ngập mặn. Ðây là hướng dẫn chuyên môn đầu tiên về lĩnh vực này được ban hành và áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Chị Lê Thị Nữ, thành viên Tổ bảo vệ rừng ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Lúc đầu chúng tôi rất bỡ ngỡ bởi việc đo các-bon rừng là điều còn tương đối mơ hồ.

Sau 5 lần tham gia đo đếm cùng chuyên gia, đến nay chúng tôi đã thành thạo và có thể hướng dẫn các thành viên khác của tổ cũng như cộng đồng cách giám sát các-bon rừng, đo lường được sinh trưởng của cây rừng”. Kết quả đo các-bon mà Dự án thực hiện và công bố đã mở ra cơ hội cho người dân Ðồng bằng sông Cửu Long có thêm sinh kế mới.

Từ đó, nếu Việt Nam cho phép thị trường các-bon hoạt động, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người dân được hưởng lợi từ cam kết có trách nhiệm cao của Việt Nam về việc trở thành nước có mức độ phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Khiêm, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân, nhất là các cộng đồng ven biển, dự án này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn mang lại những lợi ích thiết thực về sinh kế, xã hội cho cộng đồng sinh sống trong các vùng đệm thông qua khoán rừng cho người dân để nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.

Kết quả dự án đã góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trên lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 nhằm bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, hỗ trợ cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng giá trị sản xuất. Dự án góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, tăng độ che phủ rừng vào năm 2025 và 2030 đạt hơn 3%.