Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022 do Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chỉ đạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện là hoạt động thiết thực góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII; góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII của Đảng.
Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị
Cuộc thi đã được phát động và tổ chức trên quy mô toàn quốc, thật sự trở thành một điểm sáng quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thực tiễn ghi nhận cuộc thi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, vai trò quan trọng của Ban Chỉ đạo 35, Ban Tuyên giáo các cấp được phát huy. Nhiều đơn vị, địa phương đã tổ chức, phát động cuộc thi sâu rộng, với cách thức triển khai sáng tạo, hiệu quả, như Quân ủy Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, thành phố Hải Phòng; thành phố Đà Nẵng…
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Đào Văn Hoàn trao đổi, không gian mạng là nơi các thế lực thù địch, phản động tấn công mạnh mẽ nhất, Ban Chỉ đạo 35 các cấp của thành phố đã chủ động rà soát, nắm tình hình thông tin trên internet, mạng xã hội, kịp thời phát hiện, đưa vào diện quản lý, theo dõi; trao đổi, hướng dẫn và cung cấp chứng cứ, thông tin cho các cơ quan chức năng và đội ngũ người viết; thông tin kịp thời vấn đề của đất nước, của thành phố, nhất là những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm để kịp thời có những bài viết đấu tranh, phản bác, định hướng kịp thời.
Với sự triển khai đồng bộ như vậy, sau hơn tám tháng phát động cuộc thi, Ban Chỉ đạo 35 các đơn vị, địa phương tiếp nhận được 116.252 bài viết dự thi. Có 15 đơn vị, địa phương thu nhận từ 1.000 bài trở lên. Quân ủy Trung ương với 56.243 bài, Tỉnh ủy Bắc Giang với 10.577 bài, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với 7.230 bài, Tỉnh ủy Thanh Hóa với 6.883 bài, Thành ủy Hà Nội với 5.488 bài, Tỉnh ủy Kiên Giang với 6.450 bài… Từ yêu cầu về chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, các đơn vị, địa phương đã thẩm định, sàng lọc kỹ lưỡng qua nhiều vòng, nhiều cấp, lựa chọn các bài viết tốt nhất gửi dự thi ở Trung ương.
Cuộc thi không chỉ thu hút sự tham gia của đội ngũ cán bộ nòng cốt của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, phóng viên báo chí, cán bộ các cơ quan nghiên cứu lý luận mà còn có đông đảo cán bộ, đảng viên, giáo viên, lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh (tác giả cao tuổi nhất là 100 tuổi; trẻ nhất là 16 tuổi). Có nhiều đảng viên lão thành đã tích cực tham gia các bài viết thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao và tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, Cuộc thi có sự tham gia của một số học giả và chính khách nước ngoài với các bài viết có chất lượng tốt, được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao.
Không gian mạng là nơi các thế lực thù địch, phản động tấn công mạnh mẽ nhất, Ban Chỉ đạo 35 các cấp của thành phố đã chủ động rà soát, nắm tình hình thông tin trên internet, mạng xã hội, kịp thời phát hiện, đưa vào diện quản lý, theo dõi.
Đào Văn Hoàn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng
Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Trung ương tiếp tục đánh giá, sàng lọc ban đầu các bài viết do các đơn vị/địa phương gửi, lựa chọn 3.102 bài viết bảo đảm tiêu chí theo thể lệ để đưa vào chấm sơ khảo. Trên cơ sở kết quả chấm vòng sơ khảo, Ban Tổ chức lựa chọn 475 bài viết đưa vào chấm chung khảo, gồm 240 bài Tạp chí (trong đó có hai bài của tác giả nước ngoài) và 235 bài Báo.
Nhiều bài viết dự thi có chất lượng tốt, thể hiện sự nghiên cứu nghiêm túc, am hiểu sâu sắc vấn đề, tư duy lý luận chính trị sắc sảo, lập luận chặt chẽ, thuyết phục, bám sát và bảo vệ những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ, lan tỏa các nội dung của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết quan trọng của Trung ương, nội dung cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nhận diện và đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương đánh giá: Thành công rất tốt đẹp của Cuộc thi tiếp tục tạo ra xung lực mới trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII; đồng thời, tạo cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để chúng ta đánh giá, tổng kết công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian qua; đề ra những định hướng, giải pháp sát hợp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này trong thời gian tới.
Đáp ứng yêu cầu, bối cảnh mới
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bên cạnh những cơ hội, có thách thức không nhỏ tác động rất mạnh mẽ đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Hiện đất nước đang bước vào giai đoạn bản lề của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, với nhiều kết quả đạt được hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng-an ninh và đối ngoại.
Nhiều Nghị quyết, chủ trương, quyết sách quan trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành, trong đó có nhiều vấn đề mới, thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, như: tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai… Nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn mới và khó đang được tập trung triển khai nghiên cứu, tổng kết để xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giai đoạn mới.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải góp phần củng cố niềm tin chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, với những thói hư, tật xấu trong xã hội, những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thực tế đó đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần ý thức sâu sắc và phát huy hơn nữa trách nhiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch. Đổi mới công tác tuyên truyền theo phương châm truyền thông chủ động, “thông tin đi trước mở đường” gắn với các sự kiện chính trị-kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước, các Nghị quyết quan trọng của Trung ương, Bộ Chính trị; nâng cao chất lượng dự báo và chuẩn bị hệ thống luận cứ khoa học vững chắc để kết hợp giữa xây và chống, vừa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vừa đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Nhiều Nghị quyết, chủ trương, quyết sách quan trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành, trong đó có nhiều vấn đề mới, thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, như: tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai…
Trên mặt trận này, cán bộ lãnh đạo nhiều địa phương nêu kinh nghiệm, nếu như các đối tượng chống phá triệt để khai thác, sử dụng không gian mạng và các nền tảng mạng xã hội nhằm đa dạng hóa các loại hình thông tin từ bài viết, hình ảnh, video nhằm tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của đa dạng các đối tượng thì cả hệ thống chính trị cũng sử dụng chính môi trường đó để đấu tranh, phản bác và định hướng thông tin. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ, thông tin chính thống tiếp cận người đọc thường chậm, do phải kiểm chứng, xác minh, thì ngược lại thông tin xấu độc, thông tin giả, sai sự thật lại nhanh chóng được phát tán. Vì vậy, để ngăn chặn và định hướng kịp thời, đạt hiệu quả, các thông tin, bài viết phải bảo đảm được tính cập nhật, nhanh chóng, nội dung và hình thức theo hướng ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu phù hợp thị hiếu người tham gia mạng xã hội…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục bồi dưỡng các nhân tố tích cực để hình thành mạng lưới rộng khắp phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tiếp tục nâng cao hơn nữa các tuyến bài viết chính luận trên các báo, tạp chí với nội dung chặt chẽ, luận cứ sắc bén, thuyết phục để hình thành dòng thông tin chủ lưu, tích cực, chủ động đáp ứng nhu cầu của công chúng; tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có thanh niên, học sinh, sinh viên. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên, phóng viên vững vàng về mảng đề tài này cũng như xây dựng đội ngũ kế cận đông đảo, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới.