Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở Bắc Cạn

Từ nhiều nguồn vốn và lồng ghép các nguồn lực xã hội hóa, thời gian qua, tỉnh Bắc Cạn đã nỗ lực đạt nhiều kết quả trong kiên cố hóa mạng lưới trường, lớp học. Vì vậy, dù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng giáo dục của Bắc Cạn từng bước được nâng cao.
Giờ học tin học tại Trường THPT Chuyên Bắc Cạn.
Giờ học tin học tại Trường THPT Chuyên Bắc Cạn.

Hơn một năm trước, Trường tiểu học - Trung học cơ sở (THCS) xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Cạn) là những ngôi nhà cấp bốn, lợp phi-brô xi-măng, sân trường nền đất, hay bị úng cho nên khi mưa các em học sinh không có chỗ vui chơi. Tuy nhiên, những ngày đầu năm 2019, nhân dân và học sinh trên địa bàn xã Đông Viên phấn khởi vì ngôi trường mới đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị bàn giao, đưa vào sử dụng. Trên nền trường học cũ, các khối nhà hai tầng khang trang mọc lên, sân bê-tông rộng, thoáng, có nhiều ô trồng cây xanh. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Lương Chuyên cho biết, trường mới có 10 phòng học, nhà hiệu bộ, các phòng chức năng, thư viện, bộ môn, nhà đa năng, lắp máy chiếu… Nhờ có cơ sở vật chất khang trang, nhà trường đủ điều kiện để xét công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ một trong thời gian tới.

Không chỉ ở xã Đông Viên, thông qua nhiều kênh, tỉnh Bắc Cạn đã huy động được nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ xây dựng các trường, lớp học ở vùng sâu, vùng xa. Năm 2015, số học sinh được hưởng chế độ bán trú tại Trường THCS Thuần Mang, huyện Ngân Sơn là 66 em nhưng không có khu nhà ở cho nên có 33 em phải thuê trọ và ở nhờ nhà dân chung quanh, 33 em còn lại được cha mẹ dựng lán ở cạnh trường, rất tạm bợ lại không an toàn. Trước thực trạng đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã đứng ra vận động Tổng công ty Khí Việt Nam tài trợ hơn hai tỷ đồng xây dựng công trình nhà nội trú cho nhà trường. Có nhà nội trú, cải thiện điều kiện ăn, ở, việc học tập của các em học sinh tốt lên. Em Hoàng Thị Hạnh, dân tộc Mông, ở thôn Thôm Án (xã Thuần Mang) cho biết, ở nhà bán trú khang trang, được các thầy cô dạy dỗ, bữa ăn nào cũng có thịt, có các chị lớp trên và các bạn, em thấy vui như ở nhà. Hiệu trưởng Trường THCS Thuần Mang Triệu Văn Toàn cho biết, khu ở bán trú gồm 10 phòng, mỗi phòng rộng 15 m2 bố trí giường tầng cho tám em học sinh, khu nhà ăn, khu vệ sinh cũng được xây dựng kiên cố. Sau khi có nhà bán trú, các em ở bán trú chiếm khoảng ba phần tư số học sinh giỏi và một nửa số học sinh khá của trường, có em đạt giải Ô-lim-pích cấp huyện.

Từ năm 2010 đến 2017, Bắc Cạn xây mới 16 phòng học văn hóa, 14 phòng học bộ môn và 25 phòng khác (phòng giáo viên, phòng truyền thống...). Tỉnh hoàn thành xây dựng mới Trường phổ thông dân tộc nội trú Chợ Mới; mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị nhà bếp nhà ăn, khu nội trú hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú; kiên cố hóa 356 phòng học và 534 phòng công vụ cho giáo viên, trang bị, cấp phát cho các trường mầm non 464 bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu… Ngoài ra, tỉnh Bắc Cạn đã sắp xếp lại các trường, lớp học theo hướng dồn lớp, nhập các trường cùng xã có dưới 120 học sinh. Toàn tỉnh có 318 trường với 76.794 học sinh.

Đáng chú ý, xác định bán trú và dân tộc nội trú (DTNT) là mô hình trường học phù hợp, hiệu quả với địa hình, đặc điểm miền núi, Bắc Cạn đã tập trung nguồn lực xây dựng các trường học này để đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, sáu trên tổng số tám huyện có trường phổ thông DTNT, với tổng số khoảng 1.700 học sinh, học từ lớp 6 đến lớp 9 (cấp THCS). Cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm ở các trường phổ thông dân tộc nội trú đều trội hơn so các trường phổ thông trên địa bàn. Chất lượng giáo dục tại trường DTNT các huyện đều cao hơn mặt bằng chung, kỳ thi học sinh giỏi các khối hằng năm, các em học trường phổ thông DTNT thường chiếm 40 đến 50% số lượng học sinh đạt giải. Toàn tỉnh xây dựng được 16 trường phổ thông dân tộc bán trú, gồm: ba trường tiểu học, một trường tiểu học - THCS, và 12 trường THCS ở năm huyện vùng cao là Pác Nặm, Na Rì, Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Ðồn.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Cạn, thông qua nhiều giải pháp, đến nay, toàn tỉnh có 87 trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng bảy trường so cuối năm 2017, chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực. Bậc học mầm non, toàn bộ 123 trường tổ chức học hai buổi trong ngày, thực hiện đầy đủ khoa học chế độ dinh dưỡng; 100% trường tiểu học dạy hai buổi/ngày… Tỉnh đẩy mạnh thực hiện mô hình trường học kết nối tới tất cả các trường học. Số giáo viên có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin bậc THCS đạt hơn 91%, bậc THPT hơn 97%. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ma Thế Quyên cho biết, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng so nhu cầu thực tế, nhất là yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của Bắc Cạn vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành giáo dục Bắc Cạn tiếp tục rà soát kỹ việc sắp xếp trường, lớp học để tham mưu, đề xuất, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nhằm kiên cố hóa phù hợp, tránh lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, củng cố vững chắc kết quả phổ cập các bậc học trên toàn tỉnh…