Thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng
Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ðồng Ðăng (Cao Lộc) những ngày cuối tháng 10 vắng bóng các cán bộ, chiến sĩ. Thượng tá Ninh Thái Liêu, chính trị viên, Bí thư Ðảng ủy Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết: Hơn một tháng nay, đơn vị đã huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ chốt tại các lối mòn giáp biên giới để ngăn chặn người dân xuất, nhập cảnh trái phép vận chuyển hàng lậu, hàng cấm... Hiện, đồn đã lập tám lán trại, cán bộ, chiến sĩ trực 24/24 giờ. Ðời sống của cán bộ, chiến sĩ trực ở các điểm cao hết sức khó khăn, vào những ngày mưa rét, phải thay ca nhau về đồn lấy cơm lên chốt và cả đi lẫn về 4 km...
Ðại úy Vũ Mạnh Hường, Ðội trưởng chốt số 4 cho biết: Do địa hình đồi núi có nhiều đường mòn, lối tắt qua biên giới, dù nhiều lối mòn chính đã được xây tường, rào dây thép, nhưng cứ chặn chỗ này, thì người dân lại đi lối khác. Do lợi nhuận quá cao, cụ thể một con gà giống 10 ngày tuổi, mua tại bên kia biên giới chỉ 1.000 đồng/con, nhưng khi vận chuyển trót lọt về đến TP Lạng Sơn bán với giá từ 16 đến 26 nghìn đồng/con... vì vậy, các đối tượng buôn lậu dùng nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng. Ðối tượng thường xuyên thay đổi thời gian, địa bàn hoạt động, tụ tập đông người gây cản trở lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, bắt giữ... hoặc lợi dụng mọi sơ hở như đêm tối, để tuồn hàng lậu qua biên giới. Tình trạng này diễn ra thường xuyên, khi bị chặn địa bàn này đối tượng buôn lậu lại tràn sang địa bàn khác...
Tại khu vực Ga liên vận quốc tế Ðồng Ðăng, nhiều năm nay luôn trở thành điểm nóng về vận chuyển hàng lậu. Khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra gắt gao, buôn lậu tạm thời lắng xuống, nhưng chỉ hơi lơi lỏng, thì buôn lậu lại lộng hành. Lý giải về vấn đề này, Trưởng ga liên vận quốc tế Ðồng Ðăng Vũ Kim Ngân cho biết: Do nhà ga nằm sát khu vực biên giới, cho nên hằng ngày lượng hàng hóa nhập lậu từ các khu vực cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam (Văn Lãng); Kéo Kham, Bảo Lâm (Cao Lộc) đổ dồn về đây. Bình quân mỗi ngày nhà ga có từ hai đến năm toa hàng, chủ yếu vận chuyển hàng tiêu dùng nhập từ biên giới về, trong đó có cả hàng cấm, hàng giả về sở hữu trí tuệ... trà trộn vào số hàng hóa có hóa đơn bán hàng. Do khu vực sân ga rộng lại không có tường bao bọc, cho nên mỗi khi gần đến giờ tàu chạy, các đối tượng mới tuồn hàng, đu bám đưa hàng lên tàu, trong đó chủ yếu là hàng lậu. Trong khi đó, đội chống buôn lậu liên ngành ở đây mặc dù đông người, nhưng lại bất lực, do thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng. Từ đầu năm đến nay, đội chống buôn lậu ở ga mới chỉ thu được 28 triệu đồng tiền thuế và xử lý hàng vi phạm hơn 200 triệu đồng. Ðây là con số quá ít ỏi so với thực trạng buôn lậu đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại khu vực này.
Hàng lậu nhập nhèm hóa đơn trốn thuế
Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo 389 (Ban Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh), từ đầu năm đến nay, các lực lượng chống buôn lậu đã bắt, xử lý hơn 2.340 vụ hàng lậu, hàng cấm, hàng giả..., ước tính trị giá hơn 22,4 tỷ đồng. Ngày 14-10, tổ kiểm tra liên ngành 389 của Trung ương và tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra, bắt giữ bốn xe ô-tô chở hàng hóa với số lượng lớn, chạy từ cửa khẩu về TP Lạng Sơn, ước tính giá trị hàng hóa hơn tám tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe xuất trình một số hóa đơn chứng từ đều không trùng khớp với số hàng hóa tại hiện trường. Ðiều đáng nói là hóa đơn bán hàng mà các lái xe xuất trình có giá rẻ đến bất ngờ. Cụ thể, tủ lạnh, điều hòa không khí giá 200.000 đồng/cái; Laptop: 50.000 đồng/cái; xe đạp điện 400.000 đồng/cái... Trong khi giá thị trường những mặt hàng này cao gấp 20 đến 30 lần giá trị ghi trong hóa đơn. Xác định có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại, Tổ kiểm tra liên ngành 389 đã tiến hành kiểm tra toàn bộ các lô hàng, nhưng nhiều mặt hàng đã được hợp pháp bằng hóa đơn, chứng từ... Ngoài ra, nhiều hàng hóa trên xe không thuộc trong nhóm 35 mặt hàng cho phép cư dân biên giới được trao đổi, mua bán, theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ.
Chi cục trưởng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Thời gian qua, nhiều lô hàng lậu dán nhãn mác giả bị kiểm tra, bắt giữ. Nhiều hàng hóa được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng khi đưa qua biên giới thì gắn nhãn mác Việt Nam. Cụ thể như: bột ngọt, dầu gội đầu, bóng đèn, phích nước, nồi cơm điện, chảo chống dính... Việc nhập lậu hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại có xu hướng tăng so với năm 2013. Hàng lậu chủ yếu vẫn đi qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Khi hàng lậu vào nội địa, các đối tượng lợi dụng các quy định thiếu chặt chẽ của Thông tư số 60/2011/TTLB-BTC-BCT-BCA, ngày 12-5-2011, của Liên Bộ Tài chính, Công thương, Công an về hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, để nhập nhèm viết hóa đơn hợp thức hàng hóa nhập lậu, vận chuyển đưa về các tỉnh phía sau tiêu thụ. Nhiều trường hợp không thể xử lý được, vì khi kiểm tra, các chủ hàng đã có đầy đủ hóa đơn chứng từ. Hậu quả, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, nhất là những nhóm hàng đặc thù, có thuế suất cao... Vì vậy, trong thời gian tới, ngành thuế cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc cấp phát hóa đơn chứng từ. Ðồng thời xử lý nghiêm các hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn, chứng từ hợp thức cho hàng lậu và ghi giá hàng hóa trong hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá thị trường để trốn thuế.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Vi Văn Thành khẳng định: Công tác chống buôn lậu trên tuyến biên giới hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình buôn lậu đang có chiều hướng gia tăng, nhất là vào những tháng cuối năm. Vì vậy, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cho các lực lượng chống buôn lậu gồm: Công an, biên phòng, quản lý thị trường, thuế... cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, không để hình thành các tụ điểm, đường dây buôn lậu lớn. Mặt khác coi công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Nếu đơn vị nào để xảy ra các vụ việc buôn lậu lớn thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Cấp ủy, chính quyền địa phương; nhất là các huyện giáp biên, cần quan tâm đến đời sống của bà con, tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu, xây dựng phòng tuyến biên giới thật sự bình yên.