Tăng cường các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho khu vực nông thôn

NDO - Để thực hiện mục tiêu phổ cập tài chính toàn diện và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã liên tục triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán với nhiều tiện ích cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm trực tuyến.
Tọa đàm trực tuyến.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 8 tháng triển khai thí điểm, 3 nhà mạng gồm: Viettel, MobiFone, Vinaphone đang có khoảng 2,2 triệu khách hàng ở nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chủ yếu phát triển ở khu vực thành thị. Tốc độ phát triển khách hàng mới của dịch vụ này có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây. Trong khi đó, vẫn còn số lượng lớn người dân ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, chưa có thói quen sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Đây là vấn đề được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến: “Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (VGP) tổ chức ngày 13/12 tại Hà Nội với sự tham dự của các vị khách mời là đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội, ngân hàng thương mại và đơn vị viễn thông. Tọa đàm nhằm bàn các giải pháp phát triển dịch vụ mobile money với vai trò là "cánh tay nối dài" của ngân hàng, phục vụ các đối tượng ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế.

Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã đề ra những giải pháp nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra cần có những điều chỉnh phù hợp. Thực tế, thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhất là trong khi chúng ta đang thực hiện nền kinh tế số, xã hội số. Để thực hiện mục tiêu phổ cập tài chính toàn diện và Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã liên tục triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán với nhiều tiện ích cho người dân.

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Anh Tuấn, các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán đã có những bước phát triển theo hướng hiện đại. Đến nay có rất nhiều phương tiện thanh toán đa dạng với nhiều dịch vụ thanh toán mới. Các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả nhất định. Đến nay, chúng ta có gần 72 nghìn điểm giao dịch, cung cấp dịch vụ. Trong đó, có 39 nghìn điểm giao dịch nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong 9 tháng năm 2022, có gần 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, trong đó 37,5% khách hàng ở nông thôn với tổng giá trị giao dịch đạt 167.680 tỷ đồng. Đây là con số rất ấn tượng. Đối với dịch vụ mobile money, tính đến cuối tháng 9/2022, khách hàng thí điểm là 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23% tổng số tài khoản mobile money. Có 3 đơn vị được cung cấp thí điểm có đến hơn 82.200 điểm giao dịch kinh doanh được thiết lập; có đến hơn 14.500 đơn vị chấp nhận thẻ. Đây là lợi thế rất tốt để phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến. Mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị. Còn ở khu vực nông thôn, mặc dù cũng phát triển, nhưng tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng. Một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng hướng tới khách hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ. Ngoài ra, vấn đề về tội phạm công nghệ cao phát triển ngày càng nhiều, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về tài chính toàn diện khi chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong thực hiện mục tiêu của tài chính toàn diện như: Mạng lưới điểm cung ứng dịch vụ tài chính phát triển còn chưa đồng đều, cần phải sắp xếp hợp lý và mở rộng độ bao phủ hơn nữa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn. Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, xuất hiện thêm các chủ thể, các kênh phân phối, các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng đi kèm rủi ro, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để hỗ trợ các ngân hàng triển khai rộng rãi các giải pháp đã được thí điểm thành công. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp để khai thác được các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm giúp cung cấp các sản phẩm tiện ích hơn cho người dân, cũng như thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tạo thuận tiện hơn cho các khách hàng khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Dự kiến đến tháng 11/2023, khi kết thúc thí điểm 2 năm đối với dịch vụ mobile money, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ xem xét, sơ kết, tổng kết đánh giá để có thể đề xuất lên Chính phủ tiếp tục cho triển khai thí điểm để tiếp tục xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai chính thức việc cung cấp các dịch vụ này.