Người đứng đầu nhóm chuyên gia về Covid-19 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, từ tháng 3, chính quyền thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Bộ Y tế Thái Lan đặt mục tiêu công bố Covid-19 thành bệnh đặc hữu vào tháng 7 tới trong bối cảnh số ca mắc mới ở nước này tiếp tục giảm ở mức dưới 10.000 ca/ngày. Theo đó, các quy định về đeo khẩu trang có thể được nới lỏng, nhưng điều này cũng sẽ phụ thuộc tình hình Covid-19 ở từng địa phương. Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 8.450 ca mắc mới.
Chính phủ Indonesia cho biết, sẽ xem xét chuyển từ giai đoạn đại dịch Covid-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu dựa vào kết quả đánh giá tình hình dịch trong kỳ nghỉ lễ kéo dài Eid Al-Fitr kết thúc ngày 8/5. Theo giới chức nước này, đại dịch Covid-19 ở Indonesia đã nằm trong tầm kiểm soát bảy tuần qua, với tỷ lệ lây nhiễm ở dưới mức 1 và số ca mắc mới liên tục giảm.
Dịch Covid-19 có xu hướng giảm trên toàn thế giới. Theo giới chức Canada, có những chỉ số cho thấy sự lây lan của dịch đã giảm tại nhiều khu vực của Canada. Tuy nhiên, do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế chủ đạo và vi-rút SARS-CoV-2 không ngừng đột biến, nên chặng đường phía trước có thể sẽ không suôn sẻ.
Để có thể tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, Peru sẽ triển khai chương trình tiêm mũi thứ 4 vắc-xin ngừa Covid-19 cho tất cả người từ 50 tuổi trở lên nhằm tăng cường khả năng miễn dịch. Biện pháp này được thông báo sau khi tại quốc gia Nam Mỹ vừa phát hiện một dòng mới của biến thể Omicron, vốn không có đột biến mới hoặc khác với những biến thể trước đó và được đặt tên là BA.1.22.
Giới chức Colombia cũng thông báo bắt đầu nhận đăng ký tiêm mũi tăng cường thứ 2 vắc-xin ngừa Covid-19 cho người trên 50 tuổi. Theo nhà chức trách Colombia, việc tiêm mũi tăng cường thứ 2 sẽ được thực hiện đối với những người trên 50 tuổi, đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất cách đó bốn tháng.
Một cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với tiêm mũi tăng cường vắc-xin phòng Covid-19 liều lượng thấp quy mô toàn cầu chuẩn bị được triển khai ở bang Victoria của Australia. Cuộc thử nghiệm nhằm củng cố hệ miễn dịch, giúp giảm tác dụng phụ và bảo đảm nguồn cung vắc-xin dồi dào. Theo kế hoạch, sẽ có 3.800 tình nguyện viên từ các nước Australia, Indonesia, Mông Cổ tham gia chương trình thử nghiệm này.