Khu Lộc Phước 3 có 110 hộ gia đình, sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Trong các gia đình, vợ buôn bán cá ngoài chợ, hoặc làm nội trợ, thu nhập chủ yếu dựa vào những chuyến đi biển dài ngày của chồng. Nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn. Nhìn các cháu nhỏ ở nhà một mình cả mùa hè trong khi bố mẹ bận lo toan cuộc sống, ít quan tâm chuyện học tập của con em mình, cho nên sau khi về hưu, cô Châu đã quyết tâm mở lớp học miễn phí với mong muốn phần nào dìu dắt, dạy bảo những đứa trẻ từ nét chữ đến nét người.
Mùa hè vừa qua, cô Lê Thị Châu dạy học cho 15 em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học, đều là những em có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Các em được học chữ, học môn Tiếng Việt và môn Toán,... Các em còn được học về cách cư xử, lời ăn tiếng nói, biết yêu thương, tha thứ, sống vì mọi người và học cách sống tự lập khi bố mẹ mưu sinh bám biển. Ngoài ra, trong nhà cô Châu còn có sẵn tủ sách thiếu nhi để các em đọc, tìm hiểu kiến thức, giải trí. Buổi trưa, vợ chồng cô Châu nấu cơm cho các em ở lại ăn và nghỉ ngơi ngay tại nhà. Buổi chiều học xong, nhiều em bố mẹ bận chưa đến đón được lại gửi gắm ở nhà cô đến tận sáu, bảy giờ tối.
Gia đình em Nguyễn Tuấn Kiệt (sinh năm 2005) thuộc diện hộ nghèo. Điều đáng nói, mẹ của em Kiệt là chị Lê Thị Diễm Trang bị khuyết tật, cho nên gần như mất khả năng lao động. Hai vợ chồng chị Trang sinh được ba người con không may đều bị khuyết tật. Chồng chị làm nghề đi biển thuê cho các tàu cá, mùa biển lặng thì mỗi tháng cũng kiếm được ít tiền mang về phụ vợ chăm sóc các con, mùa mưa biển động không thể đánh bắt cá thì đành ở nhà. Chị Diễm Trang chia sẻ: Mấy mùa hè nay tôi đều đưa Kiệt qua học ở nhà cô Châu, vừa được kèm cặp học chữ, vừa có bạn bè để con chơi đùa. Cứ sợ con ngại ngùng với mọi người vì bản thân không được như các bạn, nhưng lần nào đi học về cũng thấy con rất vui vẻ, cho nên cả nhà đều vui.
Tìm hiểu về lớp học miễn phí, chúng tôi được biết, cô Lê Thị Châu từng là giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (phường Thọ Quang). Cô bắt đầu mở lớp học từ năm 2011 và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các phụ huynh. Trung bình, lớp học của cô có số lượng từ 15 đến 20 trẻ. Mùa hè, cô dạy ngày hai buổi cho các em. Vào năm học, cô kèm thêm cho các em vào buổi tối. Ngoài dành dụm những đồng lương hưu để mua đồ dùng học tập cho học trò của mình, cô cũng đi kêu gọi sự giúp đỡ quyên góp sách vở, bút... từ nhiều người trong khu.
Nhiều gia đình cũng góp cùng cô thêm ít thức ăn để nấu bữa trưa cho lũ trẻ. Ngoài ra, cô Châu còn tham gia nhiều hoạt động trong khu dân cư, trong phường như làm Chi hội trưởng phụ nữ, Tổ trưởng tổ vốn vay, Cộng tác viên dân số, Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học... Hằng năm, cô đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tặng quà, xây dựng nhà tình thương, phương tiện sinh kế, sổ tiết kiệm cho hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh nghèo, khuyết tật trên địa bàn phường với tổng trị giá gần 250 triệu đồng.
Cô Lê Thị Châu tâm sự: “Những đứa trẻ hằng ngày đến nhà học tập, tôi không chỉ dạy cho các con học chữ, mà còn giúp các con hiểu rõ về đạo đức, cách cư xử lễ phép, sống chan hòa với mọi người, mong muốn rằng các con được học tập đầy đủ, sau này lớn lên trở thành người có ích cho xã hội. Bao giờ không còn sức nữa thì tôi mới nghỉ dạy”.