Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 3/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Thống nhất bổ sung thêm 3 đối tượng cảnh vệ
Bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo Luật Cảnh vệ (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, việc mở rộng đối tượng cảnh vệ là rất cần thiết. Đại biểu phân tích, Thường trực Ban Bí thư là người điều hành các công việc hàng ngày, cao cấp của Đảng, Nhà nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là người đứng đầu cơ quan tư pháp, thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, nên bổ sung là phù hợp.
Bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo Luật Cảnh vệ (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, việc mở rộng đối tượng cảnh vệ là rất cần thiết. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh: "Tôi đồng tình bổ sung các chức danh: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ. Quy định như vậy là phù hợp, kịp thời thể chế hóa các chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao theo Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở".
Đề nghị bổ sung 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ tại điểm b, điểm c, khoản 3, Điều 1 nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng, nhất là Kết luận số 35 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
"Việc bổ sung 3 chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị", đại biểu nhấn mạnh.
Tán thành giao Bộ trưởng Công an quyết định đối tượng cảnh vệ khi cần thiết
Để bảo đảm an ninh, an toàn cho các hội nghị, lễ hội, sự kiện quan trọng do địa phương tổ chức cần áp dụng biện pháp cảnh vệ, dự thảo luật đã bổ sung quy định: "Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ" (Điểm h, Khoản 3, Điều 1).
Góp ý về dự thảo, đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) cho rằng dự án luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua. Đại biểu hoàn toàn tán thành quy định này và nói thêm công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Ngoài bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Đại biểu cho rằng, thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, công tác cảnh vệ nói riêng đòi hỏi pháp luật phải có những quy định linh hoạt để kịp thời điểu chỉnh.
Thực tế lực lượng cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra, hoặc theo đề nghị của bộ, ban, ngành, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 luật hiện hành.
Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) tán thành giao Bộ trưởng Công an quyết định đối tượng cảnh vệ khi cần thiết. |
Để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo luật đã giới hạn rõ các trường hợp cấp thiết mà Bộ trưởng Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ khi "bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại".
"Thống kê của Cơ quan chủ trì soạn thảo cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 57 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu do thực tiễn đặt ra... Do vậy, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của công tác cảnh vệ, việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Tô Văn Tám đánh giá, công việc cảnh vệ nhiều yếu tố bất ngờ, khó lường trước; mặt khác, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đối ngoại có những yêu cầu phát sinh trong thực tiễn. Do đó, việc bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết là phù hợp.
Tại phiên thảo luận, đã có 13 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu về dự luật này, tập trung vào nhiều vấn đề trong dự luật, như: mở rộng đối tượng, phạm vi cảnh vệ; các phương tiện, điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ cảnh vệ; các quy định tránh lạm quyền cũng như chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh vệ.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Công an điều hành hoạt động của Bộ Công an đã báo cáo tiếp thu, giải trình về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau có liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Công an điều hành hoạt động của Bộ Công an trân trọng cảm ơn ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã tham gia làm rõ, có kiến nghị, đề xuất, đề nghị bổ sung, điều chỉnh một số nội dung của dự luật.
“Cơ quan soạn thảo sẽ lựa chọn tối đa và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến hợp lý để khẩn trương tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, sớm hoàn chỉnh dự thảo luật chặt chẽ, chất lượng hơn và đảm bảo khả thi hơn, trước khi trình Quốc hội thông qua”, Thượng tướng Trần Quốc tỏ nói.