Chị Hà Thị Tiên, sinh năm 1967, người Mường, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ dân gian xã Kiệt Sơn, là người dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch ở địa phương. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát ví, hát rang của đồng bào Mường, khi còn nhỏ chị Tiên thường được ông bà ngoại hát ru bằng những câu ví, câu rang mộc mạc, đầy ắp tình cảm.
Trước xu hướng nhiều bạn trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội mà bỏ quên những điệu múa, những câu hát ví, hát rang bản sắc của dân tộc mình,... chị Tiên trăn trở suy nghĩ làm thế nào để bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp văn hóa của địa phương.
Với sự ủng hộ của chính quyền, bằng sự tâm huyết của mình, chị Tiên đã tìm hiểu và sưu tầm để khôi phục và phát huy giá trị những lời ca, phong tục tập quán của người Mường. Ðồng thời, chị còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của xã, huyện, qua đó tiếp cận và thúc đẩy việc trao truyền cho thế hệ trẻ những kinh nghiệm của mình để gìn giữ những điệu múa, câu hát.
Thông qua chương trình giáo dục địa phương theo hình thức tích hợp trong các môn học và những buổi ngoại khóa ở các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn hai huyện Tân Sơn và Thanh Sơn, chị Tiên đã truyền dạy cho rất nhiều lứa học sinh những điệu múa, câu hát và dạy cho trẻ những nét văn hóa của người Mường như: Chạm ống, chạm đuống, diễn xướng cồng chiêng, múa khăn, múa ống, múa sạp... để các em có thể biết thêm về trang phục, các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc, phong tục tập quán, lễ hội.
Từ tâm huyết, trách nhiệm của mình, chị Hà Thị Tiên tham mưu, vận động người dân cùng chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ văn nghệ dân gian với hơn 20 thành viên tham gia do chính chị làm chủ nhiệm.
Tại Trường mầm non Ðồng Sơn, giờ học ngoại khóa của các bé diễn ra trong không khí rộn ràng. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Phùng Thị Ngọc Khánh, các em cùng nhau tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc Mường tại không gian trưng bày các đồ dùng của địa phương được bố trí trong khuôn viên trường: Mỗi vật dụng đều được cô giáo giới thiệu cặn kẽ để giúp trẻ nhận biết. Ngoài ra tại lớp học, giáo viên bố trí góc vui chơi với tên gọi quen thuộc "Sắc mầu quê hương", "Góc địa phương" được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt, trưng bày các đồ dùng, dụng cụ của dân tộc Mường để giáo dục trẻ.
Cô Phùng Thị Ngọc Khánh chia sẻ, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong nhà trường luôn được chú trọng với việc tạo góc trưng bày không gian văn hóa Mường; trưng bày các đồ dùng của người Mường.
Ngoài ra, nhà trường tổ chức mời nghệ nhân về trường để giới thiệu và hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên và trẻ em hát rang, hát ví, múa mỡi; đồng thời tích hợp các nội dung văn hóa Mường vào trong hoạt động Ngày hội đến trường của bé, lễ hội mùa xuân, tổng kết năm học...
Ðể công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ tu bổ, tôn tạo các di tích; các di tích được tôn tạo, tu bổ, hoạt động đúng quy định, nền nếp, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo quan trọng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện vào các dịp lễ, Tết truyền thống.
Cùng với đó, nhiều lễ hội truyền thống, nhiều phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc cũng được phát huy mang đậm bản sắc như Lễ hội rước vía lúa, Lễ hội xuống đồng, Tục thờ vía lúa, Tục hạ điền, Tục gác cầy, bừa, Lễ cấp sắc của người Dao... Nhằm giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số và giúp cho cán bộ, công chức, viên chức thực hành công vụ tốt hơn trong quá trình làm việc và hiểu biết tiếng nói, phong tục tập quán của đồng bào, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hằng năm mở các lớp đào tạo tiếng Mường, H’Mông, Dao.
Ðến nay, toàn huyện có hơn 2.072 lượt cán bộ, công chức, viên chức học tiếng dân tộc, trong đó: Tiếng Mường có 1.825 lượt học viên, tiếng H’Mông có 67 lượt học viên, tiếng Dao nôm có 180 học viên…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Sơn Nguyễn Khắc Thăng cho biết, huyện đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn thành lập đội văn nghệ dân gian, văn nghệ truyền thống tại các xã, khu dân cư, đơn vị trường học. Do vậy, trên địa bàn 172 khu dân cư của huyện đã thành lập 183 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian với hơn 3.000 thành viên, gồm các loại hình: Chàm Ðuống, hát ví, hát rang, múa chuông, múa sinh tiền; lập tĩnh, múa khèn, cồng chiêng, hát xoan, hát chèo...